Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Việc làm cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm mục đích phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị những bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn. Tuy nhiên, nhiều người trước khi kết hôn chưa chú trọng vấn đề này dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

Do thiếu kiến thức và điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng anh Rơ Lan Sơr (làng Mơ Nang 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) không khám sức khỏe trước khi kết hôn. Vợ chồng anh sinh được 2 con thì cháu lớn bị bệnh tan máu bẩm sinh. “Năm cháu 3 tuổi thì phát bệnh, người ốm yếu, xanh xao. Vợ chồng tôi đưa đi khám thì phát hiện con bị bệnh về máu. 5 năm qua, hàng tháng, cháu phải đến bệnh viện truyền máu, điều trị. Bác sĩ nói bệnh này phải điều trị cả đời chứ không trị dứt điểm được”-anh Sơr buồn bã cho biết.

Chăm sóc cháu nội đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh, bà Phạm Thị Đăng (làng Đak Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang) cho hay: “Cháu tôi bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ bé. Bố mẹ cháu khi kết hôn không khám sức khỏe vì nghĩ mình khỏe mạnh bình thường. Vợ chồng con tôi có 2 con thì 1 cháu bị bệnh. Bác sĩ nói bệnh là do di truyền từ bố mẹ”.

Nhân viên y tế thôn bản xã Đê Ar (huyện Mang Yang) tuyên truyền về khám sức khỏe tiền hôn nhân cho người dân. Ảnh: N.N

Nhân viên y tế thôn bản xã Đê Ar (huyện Mang Yang) tuyên truyền về khám sức khỏe tiền hôn nhân cho người dân. Ảnh: N.N

Bác sĩ Trịnh Quang Phố (Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: Bệnh viện đang điều trị cho 66 ca bị bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Khi vợ và chồng cùng mang gen bệnh thì mỗi lần sinh có 25% nguy cơ con bị bệnh, 50% khả năng con mang một gen bệnh và 25% khả năng con bình thường. Bệnh gây ra những hậu quả nặng nề đối với giống nòi. Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

“Bệnh tan máu bẩm sinh vẫn có thể phòng tránh được bằng cách khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo đó, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát gen bệnh càng sớm càng tốt. Người mang gen bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gen để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng. Các cặp đôi cùng mang gen đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh phù hợp”-bác sĩ Phố khuyến cáo.

Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-thông tin: Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh. Đồng thời, giúp bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống vợ chồng, tránh được rắc rối trong đời sống tình dục, những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến sinh sản hoặc xuất hiện hậu quả của các bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, công tác tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai từ năm 2011 đến nay. Chi cục cũng tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ở các xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có mô hình thì thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân do Đoàn Thanh niên phụ trách.

Cùng với đó, xây dựng góc kiến thức về sức khỏe sinh sản tại các trường THPT, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa có nội dung về sức khỏe sinh sản tại một số trường học giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, từ đó có hành vi đúng đắn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

“Năm 2021 và 2022, ngành Y tế các cấp đã tổ chức 354 buổi sinh hoạt các câu lạc bộ tư vấn về khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản; giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với sự tham gia của 8.002 lượt người. Năm 2023, Sở Y tế ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông về dân số trong tình hình mới; truyền thông về tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe sinh sản; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản… Hiện nay, đa số trẻ vị thành niên, thanh niên có ý thức về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân và chủ động phối hợp”-ông Nhật cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.