Kết nối tiêu thụ hàng hóa qua biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Phiên chợ biên giới huyện Đức Cơ năm 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 16-10 tại thị trấn Chư Ty là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới, đồng thời mở ra cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Phiên chợ biên giới huyện Đức Cơ năm 2023 là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 1055/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phiên chợ có quy mô hơn 60 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh cùng các doanh nghiệp của tỉnh Ratanakiri.

Mặt hàng trưng bày là các sản phẩm đặc sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng ẩm thực, các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, hàng tiêu dùng của Campuchia.

Tham gia phiên chợ biên giới lần này, bà Vũ Thị Hòa-Chủ cơ sở nhung hươu Huy Thuận (huyện Chư Prông) cho biết: Cơ sở có 5 sản phẩm gồm: cao nhung, nhung tươi thái lát ngâm mật ong, nhung thái lát sấy khô, nhung tán bột nguyên chất, nhung tán bột ngâm mật ong. Mặc dù sản phẩm được bán ở nhiều kênh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng cơ sở cũng mong muốn qua phiên chợ tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng.

“Năm ngoái, tôi cũng tham gia phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và thấy rất hiệu quả. Sau phiên chợ, một đoàn khách phía Campuchia sang tham quan, tìm hiểu về trại hươu đã đặt vấn đề hợp tác cung cấp con giống để họ triển khai mô hình chăn thả tự nhiên và phân phối các sản phẩm để phát triển thị trường qua bên nước bạn”-bà Hòa chia sẻ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Phiên chợ biên giới huyện Đức Cơ. Ảnh: Vũ Thảo

Các đại biểu cắt băng khai mạc Phiên chợ biên giới huyện Đức Cơ. Ảnh: Vũ Thảo

Tương tự, mỗi lần tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, cơ sở sản xuất cà phê Nguyễn Hân Coffee Farm (huyện Đức Cơ) lại có thêm một nguồn khách hàng tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Hân-Chủ cơ sở-cho hay: “Để có sản phẩm đạt chất lượng, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, từ lựa quả chín, sơ chế đến chế biến. Nhờ đó, sản phẩm được khách hàng đánh giá rất cao và tin dùng. Tham gia phiên chợ lần này, gian hàng của cơ sở thu hút đông đảo khách hàng tham quan. Nhiều khách hàng ở Campuchia đã đến tìm hiểu thông tin về sản phẩm và chính sách đại lý. Đây chính là cơ hội để cơ sở kết nối được khách hàng sỉ cũng như được tiếp cận các doanh nghiệp của Campuchia để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, từ những lần tham gia như thế này, cơ sở có cơ hội tiếp xúc trực tiếp khách hàng để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, từ đó có định hướng phát triển sản phẩm ngày một tốt hơn”.

Tại phiên chợ, không chỉ các gian hàng bán sản phẩm nông sản chế biến, hàng tiêu dùng nhộn nhịp khách đến mua sắm mà một số gian hàng bán sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng thu hút rất đông người dân đến tham quan. Gian hàng thổ cẩm của ông Ksor Huynh (làng Sung Le Kắt, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là một ví dụ.

Ông Huynh phấn khởi nói: “Lâu nay, các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương được phát triển khá đa dạng, từ áo váy, túi xách cho đến đồ trang trí. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến bởi vì họ chỉ bán trong làng để người dân sử dụng. Vì vậy, tôi rất mong muốn qua phiên chợ này sẽ kết nối được với các địa phương khu vực biên giới để đưa sản phẩm quảng bá rộng rãi hơn”.

Các mặt hàng nông sản địa phương khá đa dạng, thu hút khách đến tham quan và mua sắm. Ảnh: V.T

Các mặt hàng nông sản địa phương khá đa dạng, thu hút khách đến tham quan và mua sắm. Ảnh: V.T

Phiên chợ cũng là dịp để người dân khu vực 2 biên giới tìm hiểu, mua sắm hàng hóa có chất lượng tốt. Ông Trần Minh Trung (thôn Chư Bồ, xã Ia Kla) bày tỏ: “Tôi thấy hàng trưng bày tại phiên chợ khá đa dạng như mật ong, yến sào, mắc ca, cà phê, bò một nắng, heo một nắng, rau củ quả, rượu cần, nước mắm… Do hoạt động thương mại ở xã chưa phát triển, bà con chỉ mua sắm ở chợ cũng như các cửa hàng tạp hóa nên phiên chợ giúp chúng tôi được tiếp cận các sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Đặc biệt, khi đến đây, tôi được giới thiệu và dùng thử các đặc sản của địa phương mình mà lâu nay chưa biết tới”.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: “Thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới giữa Gia Lai và tỉnh Ratanakiri ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển. Kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh năm 2022 tăng 18% so với năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất-nhập khẩu qua biên giới ước đạt hơn 104 triệu USD.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, phiên chợ biên giới được tổ chức hàng năm là dịp để người dân vùng biên tiếp cận các sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, đồng thời mở ra cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hướng tới mục tiêu hỗ trợ thương nhân xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Ratanakiri), góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới”.

Trong khi đó, bà Moeu Malaiy-Phó Giám đốc Sở Thương mại Ratanakiri-cho rằng: Những năm trước, phiên chợ biên giới được tổ chức ở Ratanakiri, còn 2 năm gần đây tổ chức ở Đức Cơ. Phiên chợ đã tạo điều kiện cho người dân hai bên biên giới được qua lại, trao đổi, hợp tác phát triển kinh tế. “Thông qua sự kiện lần này, tôi rất mong muốn chúng ta tiếp tục có những chương trình hợp tác tốt đẹp hơn trong thời gian tới để giúp người dân hai bên biên giới hiểu nhau, buôn bán giao lưu hàng hóa một cách thuận lợi nhất”-bà Moeu Malaiy nói.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD trong quý I-2024

Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD trong quý I-2024

(GLO)- Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Giải mã cơn sốt của vàng nhẫn

Giải mã cơn sốt của vàng nhẫn

(GLO)- Những ngày gần đây, thị trường ghi nhận giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, một số địa phương diễn ra tình trạng khan vàng nhẫn cục bộ. Tại Gia Lai, thị trường vàng nhẫn cũng trong xu thế tăng thanh khoản trở lại trước lực mua SJC yếu.