Kbang khẩn trương giúp dân thu hoạch mía cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi dập tắt đám cháy xảy ra vào chiều 24-3 gây thiệt hại 40 ha mía của 24 hộ dân tại khu sản xuất làng Dơng (xã Kông Lơng Khơng), UBND huyện Kbang phối hợp với Nhà máy Đường An Khê nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân thu hoạch mía cháy nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Giữa cánh đồng mía bị cháy đen trụi, ngày 25-3, chị Đinh Thị Nghiết (làng Dơng) cùng nhân công trong làng được huy động đến đều tất bật chặt mía.

Chị Nghiết buồn bã cho hay: Hơn 2,2 ha mía đang vào vụ thu hoạch, chờ thuê nhân công chặt bán thì xảy ra cháy. Phần lớn là mía tơ nên dự tính năm nay, sản lượng đạt trên 100 tấn/ha, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ trong tích tắc, toàn bộ diện tích mía bị cháy, gây thiệt hại lớn cho gia đình chị.

Người dân thu hoạch diện tích mía bị cháy. Ảnh: M.P

Người dân thu hoạch diện tích mía bị cháy. Ảnh: M.P

Theo chị Nghiết, thời điểm xảy ra cháy mía có gió to nên ngọn lửa bùng lên rất nhanh. Chị và các hộ dân trong làng chỉ biết đứng trông mà không có cách gì cứu chữa. Cả năm nay, vợ chồng chị đổ công chăm sóc, thấy mía phát triển tốt cứ tưởng sẽ có lãi. Không ngờ đến ngày thu hoạch thì toàn bộ diện tích mía bị cháy hết.

Vậy nên, khi chính quyền địa phương thông báo việc Nhà máy Đường An Khê ưu tiên thu mua diện tích mía cháy, chị đã nhanh chóng huy động gần 30 nhân công trong làng gấp rút thu hoạch. Điều khiến chị Nghiết vui hơn là việc Nhà máy chia sẻ khó khăn cùng người dân khi cam kết thu mua số mía cháy với giá tương đương mía tươi.

Tương tự, ông Cáp Văn Trung (xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho biết: Vụ cháy làm hơn 20 ha mía của ông trồng tại khu sản xuất làng Dơng bị thiệt hại. Ngay trong sáng 25-3, Nhà máy Đường An Khê đã huy động máy cắt mía, xe vận chuyển đến hỗ trợ ông thu hoạch và thu mua với giá tương đương mía tươi.

“Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần cảnh báo, người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy nhưng thời tiết khô hanh thì rất khó lường. Diện tích mía lớn trong khi Nhà máy không thể thu mua với số lượng lớn cùng lúc nên mỗi khi đến mùa khô, người dân lại thấp thỏm. May mắn là đám cháy này được dập tắt kịp thời chứ nếu cháy lan thì thiệt hại còn nặng hơn nữa”-ông Trung cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-thông tin: Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, Nhà máy đã hỗ trợ 2 máy cắt mía, huy động xe vận chuyển và nhân công để ưu tiên thu mua đối với diện tích mía cháy. Trong số 40 ha bị thiệt hại, có khoảng 30 ha được thu hoạch bằng máy và 10 ha ở địa hình đồi dốc thì người dân tự chặt. Toàn bộ diện tích mía cháy được thu hoạch và vận chuyển về Nhà máy trong ngày 26-3.

Cùng việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, Nhà máy Đường An Khê cũng cam kết thu mua toàn bộ số mía nguyên liệu bị cháy theo quy trình áp dụng đối với mía tươi, trừ tạp chất 2% để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê nhấn mạnh: “Diện tích mía cháy tương đối lớn cùng với việc ưu tiên thu mua cho bà con đã gây nhiều khó khăn đối với kế hoạch sản xuất của Nhà máy. Chúng tôi khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng, nhất là trong thời điểm khô hạn để tránh trường hợp xảy ra cháy mía tương tự”.

Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ xe cơ giới giúp người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cháy. Ảnh: M.P

Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ xe cơ giới giúp người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cháy. Ảnh: M.P

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Từ đầu vụ thu hoạch mía đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ cháy mía với tổng diện tích thiệt hại hơn 45,7 ha.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp phòng-chống cháy lan, huyện cũng chủ động phối hợp với Nhà máy Đường An Khê chỉ đạo xã và các ngành chuyên môn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại, đặc biệt là huy động máy cắt, nhân công thu hoạch diện tích mía cháy, tránh trường hợp để kéo dài sẽ làm giảm chữ đường, gây thiệt hại thêm cho người dân. Tuy vậy, về sản lượng, diện tích mía cháy dự ước giảm 10-15% so với diện tích mía không bị cháy.

“Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía, đồng thời tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mía; tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên thăm đồng.

Đặc biệt, khi đốt lá mía để vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch phải làm sạch đường băng cản lửa, thông tin cho hộ có diện tích mía liền kề nắm được để phối hợp và có biện pháp phòng-chống cháy lan; thời điểm có gió thì tuyệt đối không được đốt dọn vì dễ xảy ra hỏa hoạn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.