Ia Grai khẩn trương chuẩn bị năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2021-2022.
Năm học 2021-2022, huyện Ia Grai dự kiến có khoảng 5.670 học sinh bậc mầm non, hơn 11.600 học sinh bậc tiểu học và gần 7.950 học sinh THCS. Thực hiện chỉ đạo chung của ngành, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã tiến hành tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học mới theo hình thức trực tuyến nhằm góp phần phòng-chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn tất khâu tuyển sinh với gần 2.230 học sinh lớp 1 và hơn 2.000 học sinh lớp 6. Riêng các trường mầm non đã tuyển được hơn 1.180 trẻ mẫu giáo 3 tuổi và đang tiếp tục tuyển bổ sung.
Thầy Nguyễn Tất Mạnh-Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Sao) cho biết: “Năm học 2021-2022, toàn trường sẽ có 12 lớp với 540 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%. Trong công tác tuyển sinh, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia khâu nhập dữ liệu, thông tin vào phần mềm tuyển sinh trực tuyến, hỗ trợ phụ huynh. Năm nay, trường có hơn 130 học sinh lớp 6, dự kiến bố trí vào 3 lớp”.
Giáo viên và nhân viên Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Thanh Nhật
Giáo viên và nhân viên Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Thanh Nhật
Tương tự, Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha) cũng đã hoàn thành tuyển sinh hơn 220 học sinh lớp 6. Năm học mới, toàn trường có 23 lớp với hơn 1.100 học sinh. Từ ngày 2-8, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai cho toàn thể cán bộ, giáo viên về các mặt công tác để khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới.
Song song với công tác tuyển sinh, từ nguồn ngân sách hơn 1,8 tỷ đồng, huyện Ia Grai cũng đang khẩn trương xây dựng bổ sung phòng học cho Trường Mầm non 1-5 tại xã Ia Yok. Ông Huỳnh Thế Phong-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện-cho hay: Mặc dù việc thi công có ảnh hưởng do thời tiết nhưng Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học mới. Vừa qua, huyện cũng bàn giao đưa vào sử dụng 2 công trình bổ sung cơ sở vật chất tại Trường THCS Phạm Hồng Thái và Trường Mẫu giáo 20-10 (xã Ia Krai).
Thầy Nguyễn Xuân Nam-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái-vui mừng chia sẻ: “Đứng chân tại xã vùng dân tộc thiểu số, những năm học trước, khó khăn lớn nhất của trường là thiếu phòng học. Nhà trường rất phấn khởi khi năm nay được huyện quan tâm đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng với tổng diện tích sàn sử dụng gần 750 m2 cùng một số hạng mục phụ trợ. Hiện nhà trường đã hoàn thành các khâu vệ sinh, sửa chữa bàn ghế, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm học mới, trường sẽ cố gắng phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ I”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình-cán bộ phụ trách quản lý về cơ sở vật chất của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai, đến thời điểm này, quy mô trường lớp đã cơ bản đáp ứng cho năm học mới. Toàn huyện có hơn 800 phòng học, 124 phòng chức năng phục vụ dạy và học. Mới đây, UBND huyện còn cấp bổ sung kinh phí 1,4 tỷ đồng cho 14 trường mầm non để mua sắm đồ dùng dạy học. Chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của một số đơn vị như: Nhà máy điện gió Ia Pếch ủng hộ 80 triệu đồng để Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ia Pếch) sửa chữa 2 phòng học và mua 54 bộ bàn ghế; Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai tặng 15 xe đạp cho học sinh khó khăn tại các trường tiểu học và THCS thuộc xã Ia Khai, Ia O, Ia Pếch và hỗ trợ 45 triệu đồng để các trường mua sách giáo khoa; Liên đoàn Lao động huyện cũng phối hợp với một số nhà tài trợ tặng 30 xe đạp và 150 suất quà cho 3 đơn vị gồm Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Ia Grăng), Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Ia Chía) và Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ia Krai). Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn hỗ trợ huyện 5 tỷ đồng để xây dựng bổ sung công trình Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ia Tô). Hiện nay, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp với đơn vị trực tiếp tài trợ là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn tiến hành các bước thủ tục đầu tư xây dựng; dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào giữa năm học mới.
Huyện Ia Grai khẩn trương hoàn thiện các phòng học bổ sung tại xã Ia Yok. Ảnh: Thanh Nhật
Huyện Ia Grai khẩn trương hoàn thiện các phòng học bổ sung tại xã Ia Yok. Ảnh: Thanh Nhật
Liên quan đến đội ngũ giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Văn Đại thông tin thêm: “Năm học 2021-2022, toàn huyện có 46 trường với gần 1.300 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có hơn 1.000 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Phòng vừa tiếp nhận, xem xét 25 đơn xin chuyển công tác theo nguyện vọng của giáo viên trình UBND huyện; đã hoàn thành quy trình bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại 17 cán bộ quản lý, điều động 9 cán bộ quản lý; đồng thời đang đề nghị cấp thẩm quyền cho tuyển bổ sung 22 biên chế giáo viên”.
Đề cập đến một số định hướng trọng tâm đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, huyện sẽ tiếp tục vừa làm tốt nhiệm vụ dạy và học, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên. Cùng với đó, có kế hoạch triển khai dạy và học bằng hình thức trực tuyến, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và người dân. Trước mắt, các đơn vị trường học đang tranh thủ nguồn học phí, nguồn chi thường xuyên và một số nguồn hợp pháp khác để mua sắm bổ sung trang-thiết bị phục vụ dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Về phía UBND huyện, chúng tôi sẽ có giải pháp và lộ trình cụ thể để từng bước đầu tư bổ sung bằng nguồn ngân sách phục vụ cho các năm học tiếp theo”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.