(GLO)- Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Huyện Ia Grai có 12 xã và 1 thị trấn, 26.075 hộ với 105.647 khẩu, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 45%. Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, UBND huyện đã tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành, địa phương quan tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; kết hợp nhiều nguồn lực và chính sách đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS”.
Bộ mặt các xã vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.N |
Giai đoạn 2015-2018, từ nguồn vốn Chương trình 135 thuộc hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng 43 công trình giao thông, 16 nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng vốn trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, huyện đã cấp hỗ trợ 239 con bò giống, hơn 3 tấn lúa giống và hơn 278,4 tấn phân bón các loại với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng cho người dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đính-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho hay: “Phòng đã cùng với các ban, ngành liên quan tham mưu UBND huyện hỗ trợ 9 làng của 8 xã làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, cải tạo vườn tạp, ổn định dân cư sau khi tách hộ với tổng kinh phí trên 9,7 tỷ đồng từ dự án định canh định cư; sửa chữa 104 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ bồn chứa nước cho 178 hộ. Cùng với hỗ trợ về đất sản xuất cho hơn 30 hộ đồng bào DTTS, huyện còn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi heo, bò sinh sản cho 323 hộ và giúp các hộ này vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp cấp 320 con bò giống, 334 tấn phân bón và hơn 403 kg lúa giống cho hộ nghèo, gia đình chính sách và già làng, trưởng thôn khó khăn; cấp muối I ốt cho 84.335 khẩu DTTS và hộ nghèo ở xã đặc biệt khó khăn”.
Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, 2 trạm y tế trung tâm cụm xã và 11 trạm y tế xã (12/13 đơn vị đạt chuẩn quốc gia) có cơ sở vật chất, trang-thiết bị đáp ứng được yêu cầu, góp phần kiểm soát các loại dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ, lao, phong... Giai đoạn 2016-2018, huyện đã cấp 103.566 thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS và hộ sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung mở rộng và nâng cấp hệ thống trường lớp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục DTTS. Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-cho hay: “Trên địa bàn huyện có hơn 10.800 học sinh DTTS ở các bậc học phổ thông. Từ năm 2016 đến nay, 100% học sinh con hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí theo quy định; 12.269 lượt học sinh các cấp được hỗ trợ chi phí học tập và chính sách nội trú với tổng số kinh phí trên 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ 66 tấn gạo cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các trường phổ thông theo quy định”.
Mặt khác, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS tại địa phương. Giai đoạn 2015-2018, địa phương đã cử 176 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước... Hàng năm, UBND huyện rà soát, lập danh sách hơn 90 người có uy tín tại các làng đồng bào DTTS đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín; mở các lớp tập huấn và hội nghị cung cấp thông tin, cấp ấn phẩm báo chí, tạo điều kiện cho người có uy tín đi tham quan học hỏi. Các ban, ngành, đoàn thể huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức cho đội ngũ người có uy tín tham gia phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Trao đổi về công tác dân tộc ở cơ sở. Ảnh: T.N |
Đề cập về một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh: “Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc để thực hiện có hiệu quả. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã vùng khó khăn phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Tiếp tục ưu tiên thực hiện danh mục hỗ trợ sản xuất, các chương trình tái tạo môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục cảnh quan, gìn giữ không gian phát triển cho người DTTS, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh lâu dài của các vùng đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS”.
Thanh Nhật