Cải thiện thu nhập bằng "nghề tay trái" là phát triển mô hình nuôi thỏ, nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế từ chỗ kinh tế khó khăn đã nhanh chóng đổi đời.
Anh Lê Minh Tưởng là giáo viên ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
Năm 2013, tình cờ xem chương trình truyền hình, anh Tưởng biết đến một mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau đó, anh quyết định học hỏi phát triển nuôi thỏ với mong muốn cải thiện điều kiện kinh tế gia đình vốn khó khăn do đồng lương giáo viên ít ỏi.
Theo anh Lê Minh Tưởng, chuồng trại của thỏ phải luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Ảnh: NVCC. |
Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi dưỡng, cách làm chuồng trại, anh Tưởng đầu tư nuôi 70 con thỏ mẹ. Trung bình mỗi tháng đàn thỏ của anh
Tưởng sinh sản từ 400 đến 500 thỏ con. Thời gian để thỏ con đủ trọng lượng xuất thịt là từ 2,5 tháng đến 3 tháng rưỡi. Mỗi năm anh Tưởng xuất bán từ 7 tạ đến 1 tấn thỏ thương phẩm, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Anh Tưởng cho biết: "Thời gian đầu, việc nuôi thỏ gặp nhiều khó khăn do thị trường còn hạn hẹp, nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ trong tỉnh hạn chế. Bởi vì thỏ sinh sản và sinh trưởng rất nhanh nên đầu ra là rất quan trọng. Tôi phải tự đi liên hệ bán cho các nhà hàng, khách sạn, xuất đi các lò thu mua ở Đà Nẵng, Quảng Nam…".
Theo anh Tưởng, thức ăn của thỏ chủ yếu là rau cỏ, củ. Ngoài ra, để thỏ lớn nhanh có thể bổ sung thêm một số thức ăn công nghiệp phù hợp. Điều cần lưu ý là rau cỏ cho thỏ ăn cần phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thức ăn công nghiệp thì phải cho ăn một loại nhất định, vì thỏ dễ bị lạ bụng, dẫn đến tiêu chảy.
Trung bình mỗi tháng đàn thỏ của anh Lê Minh Tưởng sinh sản từ 400 đến 500 thỏ con. Ảnh: NVCC. |
"Kỹ thuật nuôi thỏ khó nhất là việc phối giống, trung bình 4 tháng sẽ cho thỏ phối giống một lần. Để đảm bảo đầu ra ổn định, thỏ sẽ được phối giống xen kẽ từng lứa theo thời gian sắp xếp", anh Tưởng cho kể.
Từ chỗ học hỏi kinh nghiệm "nghề tay trái" của anh Tưởng, anh Nguyễn Tất Chung (31 tuổi trú tại thị xã Hương Thủy) đã làm giàu bằng mô hình nuôi thỏ.
Anh Chung kể: "Từ 10 con thỏ cái ban đầu, tôi nhân rộng đàn, cung cấp con giống cho các hộ dân xung quanh. Tôi cũng đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân để cùng nhau phát triển bền vững".
Hiện mỗi tháng trang trại của anh Chung xuất bán hơn 200 con thỏ thịt thương phẩm, ngoài ra anh còn thu mua lượn lớn thỏ ở các trang trại xung quanh để nhập cho nơi khác. Nhờ đó, hàng tháng anh Chung có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Anh Trương Phi Anh (25 tuổi, trú tại số 15 đường Thanh Hải, phường Thủy Xuân, TP.Huế) cũng là một trong những người đổi đời nhờ nghề nuôi thỏ.
Năm 2016, khi còn là sinh viên ngành Y học dự phòng của Trường Đại học Y Dược Huế, anh Phi Anh đã đầu tư nuôi thỏ với mong muốn tạo thu nhập để tự trang trải cuộc sống, học tập.
Anh Trương Phi Anh phát triển thành công mô hình nuôi thỏ với hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NVCC. |
Anh Phi Anh chia sẻ: "Thỏ là loài sinh sản nhanh, đầu tư vốn ít, rất thích hợp cho việc nuôi để kiếm thêm thu nhập. Trong quá trình nuôi thỏ thì việc làm chuồng là khâu phải chuẩn bị kĩ lưỡng nhất. Phải đảm bảo nhiệt độ chuồng không quá cao ảnh hưởng thỏ trên 1kg hoặc gió lạnh ảnh hưởng thỏ con mới đẻ".
Với gần 50 con mẹ, mỗi tháng trung bình anh Phi Anh xuất bán cả thỏ con và thỏ thịt khoảng 200 con, đưa về nguồn thu hơn chục triệu đồng.
Theo anh Phi Anh, thỏ nên chia ra 2 loại để dễ chăn nuôi, thỏ con và thỏ trên 1kg. Thỏ con nuôi dễ vào mùa hè vì ít bệnh mắc các bệnh như tiêu chảy, ecoli, hoặc nhiễm lạnh mà chết. Nhưng, vào mùa mưa rét thì thỏ con lại khó nuôi vì nó dễ bị nhiễm lạnh.
Những thời điểm như vậy phải sưởi ấm, phòng bênh đường tiêu hoá đầy đủ, vì một con thỏ mới đẻ bị bênh có thể lây cho cả ổ thỏ con dẫn đết hàng loạt.
Thỏ trên 1kg thì khó nuôi vào mùa hè vì nắng khiến thỏ bỏ ăn dẫn đến suy kiệt mà chết...
Theo Văn Hòa (Dân Việt)