Hợp tác xã và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai liên kết để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò cầu nối của Sở Nông nghiệp và PTNT, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đang từng bước hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp hiện nay.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Toàn tỉnh hiện có 299 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 9.800 thành viên. Để các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm cầu nối giúp các HTX và một số công ty ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh dây giai đoạn 2022-2025. Theo nội dung hợp tác, Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) sẽ giới thiệu các địa phương, HTX, tổ hợp tác cho các công ty cùng tham gia chuỗi liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu chanh dây ổn định. Về phía các công ty sẽ chủ động làm việc với các địa phương, HTX, tổ hợp tác thỏa thuận ký hợp đồng liên kết sản xuất, gắn tiêu thụ chanh dây trong thời gian tới.

 Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (huyện Đak Đoa) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất chanh dây với các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (huyện Đak Đoa) ký biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất chanh dây với các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho biết: Từ khi Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) chuyên thu mua và chế biến chanh dây đi vào hoạt động, HTX đã chủ động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của Công ty. Theo đó, HTX ký kết bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm chanh dây của các thành viên và người dân các xã Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Nhin, thị trấn Ia Ly cho Công ty với sản lượng bình quân mỗi tháng khoảng 300 tấn theo giá thị trường. “Hiệu quả lớn nhất trong liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp là đầu ra sản phẩm ổn định, thu mua theo giá thị trường giúp người dân, HTX và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Hiện nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 300 ha chanh dây, trong đó, 200 ha đang trong giai đoạn rà soát xây dựng mã vùng trồng. Đặc biệt, HTX đã thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của cán bộ các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để hỗ trợ kỹ thuật, định hướng thị trường từ lúc trồng đến thu hoạch”-ông Thanh cho hay.

Còn ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac-cho biết: Bình quân mỗi tháng, các HTX ở Gia Lai cung cấp cho Công ty khoảng 600 tấn chanh dây. Sản lượng này mới chỉ đáp ứng một phần công suất chế biến của nhà máy là 150 tấn/ngày và có thể nâng lên 300 tấn/ngày. “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục ký kết bản ghi nhớ liên kết với các HTX nông nghiệp ở các địa phương của tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu chanh dây phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các HTX và người dân tham gia”-ông Thạnh thông tin.

Cà phê cũng là một trong những sản phẩm chủ lực đã hình thành chuỗi liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã liên kết với 10 HTX nông nghiệp và 10 ngàn hộ dân tại 6 huyện sản xuất 22.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ và Organic. Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) cho hay: “Hợp tác xã là đầu mối kết nối người dân trên địa bàn sản xuất khoảng 70 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ cung cấp nguyên liệu sạch cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Mối liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản được thực hiện theo nguyên tắc đầu vào rõ ràng, đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm tăng cao. Trong đó, HTX là mắt xích quan trọng để kết nối người dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững”.

Động lực phát triển bền vững

Ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân thông qua các HTX, tổ hợp tác để tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được Liên minh HTX tỉnh xác định từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Những năm gần đây, các HTX của tỉnh đã tập trung liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất gắn với tiêu thụ các loại nông sản chủ lực của địa phương như cà phê, chanh dây, mía, cây dược liệu… “Đây là động lực để các HTX nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững trong những năm tới. Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn như quy mô liên kết còn nhỏ, áp dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Các HTX chưa tập trung được diện tích đất lớn để xây dựng các mô hình cánh đồng lớn, từ đó cơ giới hóa sản xuất, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tập trung nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích đất”-ông Phong đánh giá.

 Nông dân tham quan mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP
Nông dân tham quan mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì chia sẻ: Những năm gần đây, được sự tạo điều kiện của các sở, ngành, địa phương, các HTX nông nghiệp và tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 81 HTX nông nghiệp liên kết với 42 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh canh tác khoảng 136.604 ha cây trồng, tập trung chủ yếu vào các loại cây chủ lực như chanh dây, cà phê, rau quả… hình thành vùng nguyên liệu tập trung, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán của các doanh nghiệp, nhà máy. Đặc biệt, mối liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn và xây dựng được hệ thống canh tác hợp lý hơn trong vùng nguyên liệu, vừa tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, vừa bảo vệ môi trường đất, môi trường sinh thái một cách bền vững.

Kết quả đạt được là vậy, song theo nhìn nhận của các cơ quan chuyên môn, quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ vẫn còn những khó khăn như: các hình thức liên danh, liên kết sản xuất còn chưa chặt chẽ; nhận thức của người dân chưa cao; quy mô sản xuất hộ nông dân trong tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn cho cơ giới hóa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, nông dân còn đầu tư ồ ạt không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn đã ảnh hưởng đến liên kết sản xuất; hạ tầng vùng nguyên liệu liên kết còn chưa được đầu tư đúng mức; chế tài bảo vệ hợp đồng liên kết cho người dân và doanh nghiệp chưa cao.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các HTX để thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Mời gọi các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính, tâm huyết, kinh nghiệm nghiên cứu thị trường… vào đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối tiêu thụ thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.