Hợp tác xã nông nghiệp ở Gia Lai đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ ở Gia Lai đã chú trọng đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từng bước khẳng định vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế tập thể cũng như xây dựng nông thôn mới.

Mở hướng phát triển mới

Là thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú, TP. Pleiku), ông Phạm Được cho hay: “Trước đây, tôi từng tham gia HTX nông nghiệp. Lúc đó, HTX chủ yếu trồng lúa nước nên gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nên có nhiều đổi mới và hoạt động rất hiệu quả. Hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo từng tháng, quý và hàng năm phù hợp với quy mô và năng lực của mình. Đặc biệt, các thành viên tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất kinh doanh rau, hoa, quả và giống cây theo hướng an toàn, hạch toán rõ ràng”.

Nhà lồng sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: N.D
Nhà lồng sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp


Cũng theo ông Được, bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán khoảng 250.000 cây giống các loại rau xanh trồng trong nhà lưới, doanh thu khoảng 75 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, HTX còn lãi khoảng 25 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã đang liên kết với 20 hộ nông dân huyện Đak Đoa sản xuất rau theo hướng VietGAP. Hợp tác xã tập huấn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá phù hợp và cao hơn thị trường để kích thích nông dân sản xuất bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 235 HTX nông nghiệp, trong đó có 218 HTX đang hoạt động, còn lại đã ngưng hoạt động hoặc không chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Các HTX nông nghiệp thu hút 8.811 thành viên, giải quyết việc làm cho 1.168 lao động, tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 356 tỷ đồng, doanh thu ước đạt hơn 28,4 tỷ đồng/năm. Ngành nghề hoạt động của hầu hết HTX là cung ứng dịch vụ thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chú trọng sản xuất có chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cho biết: Sau khi thành lập vào năm 2018 với mục tiêu giúp người dân chuyển đổi cây trồng và canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, HTX đã liên kết với các công ty làm thành viên ban cố vấn giúp HTX trong tiêu thụ mặt hàng đông lạnh, nguyên liệu tươi xuất khẩu và cung cấp giống với giá ưu đãi. Đến nay, HTX đã hình thành mối liên kết sản xuất nguyên liệu rau củ quả như chanh dây, sả, mít Thái da xanh… theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Hợp tác xã đã thu hút được 38 thành viên tham gia trồng 30 ha rau củ quả theo hình thức xen canh.

Còn ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) thông tin: Từ khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đơn vị tập trung vào các dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống, thủy lợi, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất gạo… Sản phẩm chủ lực của HTX là gạo chất lượng cao. Hợp tác xã đã vận động người dân và các thành viên quy hoạch đất sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lúa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn một giống. Sản phẩm của người dân làm ra được HTX thu mua hết với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, HTX thu mua khoảng 300 tấn lúa chất lượng cao.

Hỗ trợ các HTX phát triển bền vững

Cùng với việc thành lập các HTX nông nghiệp và dịch vụ hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện nay, nhiều địa phương rất quan tâm đầu tư cho các HTX sản xuất kinh doanh cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, nuôi trồng thủy sản, rau an toàn… Đặc biệt, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng được chú trọng đã mở ra hướng đi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, mang lại niềm tin cho các thành viên và người dân.

Sầu riêng VietGAP của HTX Đại Ngàn huyện Chư Pưh được chứng nhận 3 sao. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm sầu riêng VietGAP của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (huyện Chư Pưh) được chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Các HTX nông nghiệp trong tỉnh phát triển mạnh về số lượng cũng như quy mô và chất lượng, từng bước củng cố và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh khi đầu tư liên kết với nông dân sản xuất-tiêu thụ các mặt hàng nông-lâm-thủy sản. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên.

“Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; tham quan học tập kinh nghiệm các HTX trong và ngoài tỉnh hoạt động hiệu quả; xây dựng mô hình HTX nông nghiệp hoạt động phù hợp với năng lực, điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kết nối xúc tiến thương mại với mong muốn giúp các HTX nông nghiệp phát triển bền vững, trở thành “bà đỡ” cho các thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”-ông Phong thông tin thêm. 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.