Các cơn bão cũng gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và thiệt hại đáng kể về tài sản. Theo các báo cáo, mưa lớn, mưa đá và gió mạnh ở Islamabad đã khiến nước tích tụ ở các vùng trũng thấp và làm bật gốc cây ở một số địa điểm.

Cơ quan Quản lý Thảm họa Tỉnh Punjab (PDMA) cũng cho biết, thương vong chủ yếu do bị sập các công trình và cây đổ. Một nguyên nhân khác được báo cáo là do các biển quảng cáo và tấm pin Mặt Trời bị rơi trong mưa bão.
Mưa bão lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Một số tuyến đường bị chặn lưu thông do tầm nhìn hạn chế. Các chuyến bay cũng bị ảnh hưởng tại thủ phủ Lahore. Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hành khách đã bị hoảng loạn khi chiếc máy bay chở họ, bay từ Karachi đến Lahore, gặp phải nhiễu động nghiêm trọng trong lúc tìm cách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Allama Iqbal. Sau đó, tổ lái quyết định cho máy bay quay trở lại Karachi và đã hạ cánh an toàn.
Tổng giám đốc PDMA Irfan Ali Kathia yêu cầu các phó ủy viên và các đội cứu hộ duy trì cảnh giác và phải luôn trong tình trạng báo động cao.
Ủy viên Cứu trợ Punjab Nabeel Javed thông báo rằng, viện trợ y tế và các nỗ lực cứu trợ đang được tiến hành gấp rút ở các khu vực bị ảnh hưởng. Chính quyền cũng kêu gọi người dân tránh đi lại khi không cần thiết và cập nhật thông tin cảnh báo thời tiết thường xuyên.

Theo BBC, thời gian qua mưa đá xuất hiện nhiều hơn và dữ dội hơn, kích thước những viên đá cũng ngày càng lớn hơn. Hãng tin phân tích, nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu làm không khí ấm hơn, nhiều độ ẩm hơn, cung cấp năng lượng cho những luồng gió mạnh, những viên đá có thời gian ở trong cơn bão lâu hơn, tăng kích thước lên, để rồi cuối cùng quá nặng và rơi xuống mặt đất.
Việc dự báo kích thước những trận mưa đá, hay cơn bão nào sẽ tạo ra những viên đá, hiện đang là bài toán khó cho các nhà khoa học về thời tiết. Có rất nhiều biến số về không khí, tuy vậy chất lượng của các dữ liệu đầu vào đang không ngừng được cải thiện./.