Hội viên nông dân ở Gia Lai giảm mạnh, do đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thống kê từ Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh kết nạp 2.909 hội viên mới, giảm 546 hội viên nông dân. Đến cuối năm, con số giảm là 7.289 hội viên. Trong đó có những cơ sở Hội, số hội viên giảm gấp đôi số kết nạp mới. Vậy đâu là nguyên nhân?

Huyện biên giới Chư Prông là địa phương có số hội viên giảm nhiều nhất trong toàn tỉnh với 1.762 hội viên. Trong đó, xã Ia Băng giảm 464 hội viên, nhiều nhất trong số 20 xã, thị trấn.

Bà Võ Thị Thu Hiền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng-lý giải: Theo hồ sơ lưu của Hội, đầu nhiệm kỳ 2018-2023, xã có 512 hội viên. Hàng năm, Hội đều kết nạp đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đến cuối năm 2022, toàn xã có 884 hội viên.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, thống kê lại theo chỉ đạo của Thường trực Hội Nông dân huyện, số hội viên thực tế đang sinh hoạt tại 6 chi hội đến cuối năm 2023 là 418.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều chủ trì và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên nông dân. Ảnh: Phương Dung

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều chủ trì và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên nông dân. Ảnh: Phương Dung

Theo bà Siu H’Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông, để đảm bảo chất lượng hoạt động của các cơ sở hội, Thường trực Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo rà soát, nắm danh sách chính xác hội viên thực có. Qua rà soát tại các cơ sở Hội, tổng số hội viên đã giảm đáng kể so với năm 2022 và đầu nhiệm kỳ 2023-2028.

Cụ thể: Hội Nông dân xã Ia Băng giảm 464 hội viên; Hội Nông dân xã Ia Me giảm 300 hội viên; Hội Nông dân xã Ia Piơr giảm 305 hội viên; một số cơ sở Hội khác giảm từ 20-50 hội viên.

Nguyên nhân giảm do hội viên tuổi cao sức yếu, đi làm ăn xa, chuyển khẩu đi nơi khác, không tham gia sinh hoạt, vi phạm không đóng hội phí, hội viên xin ra khỏi hội,... Do công tác theo dõi, tổng hợp, quản lý số liệu hội viên tại các cơ sở Hội chưa kịp thời, sát thực tế dẫn đến số liệu thống kê không trùng khớp.

Tương tự, huyện Phú Thiện cũng giảm 1.740 hội viên trong năm 2023. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện Nguyễn Thị Đam nêu thực trạng: Hội viên nông dân rời địa phương đi làm ăn xa, không bố trí được thời gian sinh hoạt nên xin ra khỏi Hội; hội viên lớn tuổi chuyển sinh hoạt sang các tổ chức khác; chuyển nơi ở; chuyển ngành nghề. Đội ngũ cán bộ chi hội thường xuyên thay đổi, thiếu kinh nghiệm, gặp khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý hội viên,...

Ngoài 2 địa phương nêu trên, một số huyện cũng có tình trạng tương tự. Như trong năm 2023, Hội Nông dân huyện Kông Chro phát triển mới 358 hội viên, nhưng giảm đến 605 hội viên; Mang Yang phát triển 305 hội viên, giảm 367 hội viên; thị xã Ayun Pa phát triển 200 hội viên, giảm 485 hội viên,...

Thực tế này là một trong những nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ II khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028 (mở rộng) diễn ra sáng 20-12.

Bên cạnh việc theo dõi, quản lý hội viên xin vào Hội, ra khỏi Hội còn lỏng lẻo, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân còn do mô hình tập hợp hội viên chưa sát thực tế, nội dung và hình thức sinh hoạt hội chưa phong phú, chưa thu hút hội viên tham gia; lợi ích tham gia vào hội không rõ nét nên thiếu sức hấp dẫn; một bộ phận cán bộ Hội chưa thật sự sâu sát cơ sở,...

Hội Nông dân xã Ia Grăng (huyện Ia Grai) hỗ trợ cây giống cho hội viên. Ảnh: Phương Dung

Hội Nông dân xã Ia Grăng (huyện Ia Grai) hỗ trợ cây giống cho hội viên. Ảnh: Phương Dung

Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Kim Chi-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho hay, năm 2023 toàn tỉnh kết nạp mới 7.457 hội viên (đạt 106,5%) nhưng giảm đến 7.289 hội viên, và toàn tỉnh hiện có 184.645 hội viên.

Việc rà soát, thống kê số liệu hội viên chưa chính xác đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của Hội nói chung. Do đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục nắm bắt, quản lý chặt chẽ hội viên; rà soát, đối chiếu biến động tăng/giảm theo tháng, quý.

Đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp hội viên trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung chính trong hoạt động của Hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Điều lệ Hội, Nghị quyết của Hội, các chương trình, dự án do Hội triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cần quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chi hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.