Nông dân phải là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hơn 90 năm xây dựng và phát triển, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nông nghiệp, nông thôn cũng không thể đứng ngoài.

Vì thế, nông dân cần xác định đầy đủ vị trí, tư thế và bản lĩnh của mình để sẵn sàng làm người chủ của sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, văn hóa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông dân và xem phát triển nông nghiệp là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Người nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Chiếm 1/3 dân số cả nước, với đức tính lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp nông dân Việt Nam đã một lòng đi theo Đảng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, vốn liếng, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Nhiều phong trào do Hội Nông dân phát động, tổ chức đạt hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; phong trào nông dân thi đua tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh. Ngày càng nhiều gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; nhiều nông dân tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, nhà trẻ, làm đường giao thông nông thôn…; ngày càng có nhiều nông dân thành công trong nghiên cứu, cải tiến, chế tạo nông cụ mới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân nước ta ngày càng được nâng cao; nông dân ngày càng khẳng định là chủ thể trong việc xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Thế nhưng, thực tế là một bộ phận nông dân vẫn đang chịu thiệt thòi, thu nhập bình quân của nông dân hiện tại chưa bằng 1/3 thu nhập của lao động ngành công nghiệp, dịch vụ. Trên 90% hộ nghèo của cả nước đang sống ở nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nông dân vẫn ở thế yếu trong chuỗi liên kết kinh tế và trong không ít các quyết định ở nông thôn; còn bị động trước những tác động của hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ; sản xuất còn nhỏ lẻ, lạc hậu khi gần 90% lao động chưa qua đào tạo và tuổi đời ngày một già hơn.

Thách thức đặt ra với nông dân Việt Nam đã được nhìn rõ. Quan trọng là chiến lược và chính sách phát triển cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn phải làm sao hiện thực hóa đến mức cao nhất những cơ hội, hạn chế tối đa các nguy cơ đang đặt ra cho họ.

Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xác định: Nông dân là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Gần đây nhất, Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Nghị quyết số 46 ngày 20-12-2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Đây cũng được xem là nghị quyết lịch sử của giai cấp nông dân Việt Nam và tổ chức hội của mình, để Hội Nông dân xứng đáng là nơi tập hợp đoàn kết và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, cũng như phát huy sức mạnh nội lực để nông dân vươn lên.

Nhiệm kỳ tới là một giai đoạn quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho sự nghiệp phát triển nông dân, nông nghiệp, nông thôn nhưng cũng có không ít thách thức trước yêu cầu hội nhập. Vì vậy, hơn 10 triệu hội viên nông dân cả nước đang kỳ vọng vào một sự thay đổi cơ bản chất lượng hoạt động của Hội để nông dân có vị thế xứng đáng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện đại, văn minh, đúng như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam sáng 26-12: “Nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Hội cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành cùng nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.