Hồi ức thời hoa lửa của người lính Trung đoàn 95

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa 48 năm song những câu chuyện, hồi ức về một thời gian nan mà anh dũng ở Mặt trận Tây Nguyên vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cựu chiến binh Trung đoàn 95. Mỗi khi nhắc lại, họ không khỏi bồi hồi, xúc động.

Một thời binh lửa

Một buổi sáng tháng tư, tôi tìm gặp ông Hoàng Chiến Nở và ông Nguyễn Xuân Hải (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku). Đây là 2 chiến sĩ năm xưa của Trung đoàn 95 đã tham gia giải phóng thị xã Pleiku ngày 17-3-1975. Ông Nở sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn), nhập ngũ ngày 18-5-1971. Sau 6 tháng huấn luyện tại Sư đoàn 304B (Quân khu 1), ông Nở được biên chế về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95. Ông nhớ lại: “Chúng tôi phải đi bộ gần 3 tháng mới đến được địa phận Gia Lai. Đơn vị được giao làm nhiệm vụ ở khu vực đèo Mang Yang để chặn đánh địch tiếp viện từ đồng bằng lên Tây Nguyên. 4 năm tham gia chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên, trận chiến ngày 4-3-1975 là ký ức tôi không thể nào quên”.

Ông Nở kể lại: Đêm ngày 3 rạng sáng 4-3, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 95 nổ súng tấn công căn cứ Ayun, đánh ấp Phú Yên và các chốt của địch, cắt đường 19. Trên đường 19 có 3 căn cứ: Ayun, Mang Yang và Kon Dơng; Ayun là căn cứ mạnh nhất do một tiểu đoàn bảo an đóng giữ. Khi đó, một đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 2, một bộ phận công binh, trinh sát lên chiếm lĩnh ở phía Bắc điểm cao 1010, tạo thế cho Tiểu đoàn 2 triển khai đánh địch ứng cứu giải tỏa. Sau hơn 3 giờ nổ súng, quân ta đã tiêu diệt đồn địch, thu được nhiều vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 155 mm và nhiều đạn dược. Sau khi chiếm giữ được căn cứ Ayun, trên khu vực Plei Bông-Kon Dơng, Trung đoàn phó Ma Thanh Toàn chỉ huy Tiểu đoàn 2 và đặc công, trinh sát triển khai sẵn sàng với lực lượng của Trung đoàn đánh địch phản kích từ hướng Pleiku xuống. Cùng với các mũi tấn công khác, trong ngày 4-3, Trung đoàn đã cắt đứt con đường tiếp tế chủ yếu của địch. “Trận chiến này là phát pháo lệnh mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, lời cáo cho sự sụp đổ của Quân đoàn 2 ngụy và chính quyền Sài Gòn. Tiếp tục củng cố lực lượng sau chiến thắng, Trung đoàn đã tiến đánh các căn cứ khác trên đường 19, tiến vào đánh chiếm và giải phóng thị xã Pleiku vào ngày 17-3-1975”-ông Nở nhớ lại.

Ông Hoàng Chiến Nở (thứ 2 từ trái qua) vui mừng vì được gặp lại đồng đội cùng chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Ảnh: Phan Lài

Ông Hoàng Chiến Nở (thứ 2 từ trái qua) vui mừng vì được gặp lại đồng đội cùng chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Ảnh: Phan Lài

Ông Nguyễn Xuân Hải cũng không thể quên những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Hải sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Gác lại bao ước mơ, ông Hải viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới hơn 17 tuổi để được cầm súng giải phóng miền Nam. Sau thời gian huấn luyện tại Sư đoàn 304, tháng 11-1971, ông Hải được biên chế về Tiểu đoàn K63, Trung đoàn 95 (nay là Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) và đi luôn vào Nam để chi viện cho chiến trường.

Trong gần 4 năm tham gia chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên, ông Hải đã cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai. Năm 1975, Trung đoàn 95 được giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông đường 19, đoạn từ Mang Yang đến Lệ Trung để chia cắt, chặn đứng sự tiếp viện của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Thời điểm này, ông Hải đang đảm nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội DKZ, Đại đội 4, Tiểu đoàn 63. Trung đoàn 95 là một trong những đơn vị được lệnh nổ súng mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Hải (bìa trái) và ông Hoàng Chiến Nở (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cùng ôn lại những kỷ niệm chiến trường. Ảnh: Phan Lài

Ông Nguyễn Xuân Hải (bìa trái) và ông Hoàng Chiến Nở (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cùng ôn lại những kỷ niệm chiến trường. Ảnh: Phan Lài

Sau khi phối hợp cùng các tiểu đoàn khác chiếm giữ căn cứ Ayun, Mang Yang và Kon Dơng, trưa 16-3, đơn vị của ông Hải tiến đánh và truy kích địch ở cầu Lệ Cần (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa ngày nay) rồi quận Lệ Trung (thị trấn Đak Đoa ngày nay). Khoảng 4 giờ sáng 17-3, Tiểu đoàn 63 nổ súng truy kích địch và chiếm lĩnh Trại Thiết giáp Phù Đổng. Khoảng 6 giờ 30 phút, mũi tấn công do ông Hải phụ trách bắt được 14 tên địch đang chạy trốn, trong đó có 1 đại úy. Sau đó, khoảng 9 giờ ngày 17-3, Tiểu đoàn 63 nhận được lệnh chiếm giữ Sở Chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy. “Khi đến nơi, địch đã tháo chạy hết, tôi leo lên cổng Quân đoàn 2 ngụy để tháo cờ ngụy vứt xuống đất, tiến tới chiếm giữ Sở Chỉ huy”-ông Hải tự hào kể lại.

Nghĩa tình đồng đội

Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, song những người lính từng tham gia chiến đấu giải phóng Tây Nguyên luôn trào dâng niềm tự hào và không quên những năm tháng chiến đấu đầy cam go, ác liệt. Mỗi khi điều kiện cho phép, các cựu chiến binh của Trung đoàn 95 lại gặp gỡ, ôn lại chuyện xưa. Tại buổi gặp mặt truyền thống của Trung đoàn được tổ chức vào cuối năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chỉnh-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 95-cho biết: Trung đoàn 95 tiền thân là Chi đội giải phóng quân Nguyễn Thiện Thuật, được thành lập ngày 23-8-1945, theo Quân lệnh số 2 về xây dựng lực lượng vũ trang của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn 95 có nhiều năm tháng chiến đấu ở mặt trận Gia Lai, đặc biệt là ở khu vực đèo Mang Yang. Vì vậy, đơn vị được gọi là “Đoàn Mang Yang”.

Năm 1966, Trung đoàn 95 đứng chân hoạt động trên địa bàn huyện 4, 5, 6, 7 của tỉnh Gia Lai, tác chiến chủ yếu trên trục đường giao thông chiến lược số 19, khu vực đèo Mang Yang. Trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975, Trung đoàn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông trên đường 19, đoạn từ Mang Yang đến Lệ Trung để chia cắt, chặn đứng sự tiếp viện của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và nghi binh tạo thế cho đại quân tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.

Ngày 17-3-1975, trên đà thắng lợi và nhận lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn nhanh chóng tiến vào giải phóng thị xã Pleiku và chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy, Sân bay Cù Hanh, hệ thống kho tàng của địch, tiêu diệt, gọi hàng hàng ngàn tên địch, thu hồi toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải tán chính quyền và bộ máy kìm kẹp của chế độ cũ. “Sau khi giải phóng thị xã Pleiku, một mũi tiến công của Trung đoàn đã tiến theo đường 7 phối hợp với một đại quân của mặt trận truy quét và tiêu diệt tàn quân của địch. Phát huy thắng lợi ở Tây Nguyên, Trung đoàn tiếp tục cơ động theo đường 19 tấn công tiêu diệt địch giải phóng thị trấn Phú Phong, thị xã Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Tiểu đoàn 2 và lực lượng hỏa lực của Trung đoàn tăng cường phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 và Hải quân giải phóng huyện đảo Phú Quý và đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa”-ông Chỉnh thông tin.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 95 chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt truyền thống cuối năm 2022. Ảnh: Phan Lài

Các cựu chiến binh Trung đoàn 95 chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt truyền thống cuối năm 2022. Ảnh: Phan Lài

Nhắc nhớ về những năm tháng ở Mặt trận Tây Nguyên, trong ký ức của ông Nở, ông Hải và những cựu chiến binh Trung đoàn 95 không chỉ có những chiến thắng hào hùng, oanh liệt mà còn cả đau thương mất mát. Ông Hải chia sẻ: “Dẫu cái chết có cận kề thì ý chí và khát khao độc lập dân tộc không cho phép chúng tôi chùn bước mà quyết chiến quyết thắng, giành độc lập cho Tổ quốc. Để đánh tan phòng tuyến của địch, không ít đồng đội của tôi đã phải nằm lại chiến trường, đến nay vẫn chưa xác định được hài cốt”.

Đau đáu nhớ về đồng đội đã hy sinh, ông Hải đã cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 95 không quản khó khăn đi thu thập tư liệu, thông tin, tận tâm giúp các gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt người thân. Những năm qua, ông Hải đã giúp nhiều gia đình tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ về quê, quy tập về các nghĩa trang. Mỗi lần như thế, ông Hải lại thấy nhẹ lòng hơn với đồng đội.

48 năm đất nước được giải phóng, khó có thể phác họa lại quãng thời gian chiến đấu gian khổ nhưng cũng đầy tự hào mà những người lính của Trung đoàn 95 đã trải qua. Họ chính là “nhân chứng sống” để giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc, biến nhận thức thành hành động để chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.