(GLO)- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Thảo luận ở tổ về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ảnh: Vũ Mạnh Định |
Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 31-5-2018. Quốc hội tổ chức thảo luận ở tổ đối với Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đây là dự thảo luật lần thứ hai cho ý kiến trong chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. So với dự thảo cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, thì dự thảo lần này đã có tiếp thu, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng; đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật hiện hành và tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Tham gia thảo luận ở Tổ, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đều đồng ý với đa số nội dung dự thảo, tuy nhiên, các đại biểu vẫn băn khoăn về tính thực thi đối với một số nội dung của dự thảo.
Về phạm vi điều chỉnh đa số các đại biểu đều tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài nhà nước, tuy nhiên, đại biểu cũng đề cập đến việc thực hiện có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập: Các đại biểu cho rằng, với mô hình tổ chức phòng, chống tham nhũng hiện nay thì việc xử lý tham nhũng chưa hiệu quả. Do vậy, cần thiết phải có tổ chức riêng, tổ chức này phải nắm tài sản, có quyền đề nghị giải trình.
Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập: Theo như đại biểu đánh giá thì quy định như hiện nay chưa tập trung được các đối tượng có khả năng tham nhũng, cần phải quy định thêm một số đối tượng cụ thể, rõ ràng. Dự thảo luật mới chỉ đề cập đến người có chức vụ là chưa phù hợp, vì có những ngành, nghề nhân viên cũng tham nhũng, như cơ quan thuế, nhân viên có thể thông đồng giữa cán bộ với các hộ kinh doanh. Do vậy, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần bổ sung thêm các đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu cũng dẫn chiếu việc một số nước trên thế giới có bộ nguyên tắc xử lý, ứng xử của từng ngành nhằm chống thông đồng tham nhũng.
Xử lý tài sản thu nhập: Đại biểu Quốc hội Dương Quốc Anh (Gia Lai) đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm đối với việc xử lý tài sản tham nhũng bằng hình thức thu thuế và xử phạt hành chính, việc áp dụng bằng các hình thức trên thì “tự nhiên mặc định” sau khi xử phạt là của họ và có thể dẫn đến hiện tượng rửa tiền ở Việt Nam. Đồng tình với ý kiến trên, có đại biểu cho rằng việc quy định thu thuế hay xử phạt vi phạm hành chính đối với tài sản tham nhũng như trong dự thảo là chưa phù hợp, đa số các đại biểu thảo luận trong tổ đều băn khoăn với quy định “tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý” tại Điều 59, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng và đề nghị quy định rõ hơn. Đại biểu Quốc hội đề xuất việc xác minh tài sản thuộc thẩm quyền phán xử của Tòa án và phải đảm bảo quyền công dân.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải có giám sát quyền lực của cơ quan chống tham nhũng, như cơ quan chống buôn lậu lại tham gia buôn lậu, vì vậy cần quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chống tham nhũng; đề nghị xử lý đối với việc đưa hối lộ và cần nghiên cứu thêm vấn đề này; xem xét một số quy định để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện và đề nghị cần có giải thích từ ngữ như “cửa quyền”, “sách nhiễu”...
Các ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật, hoàn thiện khung pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Vũ Mạnh Định