Theo Báo Điện tử Chính phủ, lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, Bộ đang khẩn trương đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo phương án tổng thể và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, thông qua HĐND các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đến ngày 31-12-2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.
Theo đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị (bao gồm: 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị; tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải hoàn thành trước tháng 10-2024. Ảnh: Phương Vi |
Đối với cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.
Số lượng ĐVHC thực hiện sắp xếp trên tổng số đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đạt tỷ lệ 166,66% đối với cấp huyện (50/30) và 99,20% đối với cấp xã (1.243/1.253). Trong đó, một số địa phương ngoài việc sắp xếp các ĐVHC thuộc diện sắp xếp còn đề xuất sắp xếp số lượng lớn các ĐVHC thuộc diện khuyến khích, liền kề.
Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%). Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I-2025. Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, do việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Bộ Nội vụ cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp ĐVHC; chuẩn bị phương án sắp xếp kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó đặc biệt lưu ý: Rà soát, xác định các trường hợp thuộc diện sắp xếp, khuyến khích sắp xếp và liền kề trong giai đoạn 2023 - 2025; đối với các trường hợp thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề xuất chưa hoặc không sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025 thì phải giải trình thuyết phục, có đủ căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, cụ thể đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 thì phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện: có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp (về quy hoạch và phân loại đô thị, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) đồng thời với việc xây dựng các Đề án sắp xếp ĐVHC, bảo đảm khi trình Chính phủ các Đề án này đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Tập trung xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Bộ Nội vụ nhấn mạnh, phải đẩy mạnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, cụ thể: Bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật; rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các ĐVHC (bao gồm các đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và các đơn vị dự kiến sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025).
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp ĐVHC, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.