Hành trình 26 năm cống hiến sức lực và trí tuệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 26 năm bám trụ vào vùng đất trước đây còn nghèo nàn, thường xuyên đối mặt với sốt rét, thiếu ăn và bọn phản động FULRO luôn làm cho cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã phải chịu nhiều gian khó lẫn hy sinh với niềm tin “nơi đây sẽ ngày càng đổi mới với bạt ngàn màu xanh cao su, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện và an ninh chính trị sẽ ổn định”.Tiền thân là Công ty Cao su Mang Yang, được thành lập năm 1984, với tổng số cán bộ, công nhân viên chỉ có 71 người. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, những con người kiên định này đã gồng mình chống chọi với rừng thiêng nước độc để từng bước đưa thương hiệu cao su Mang Yang bay cao, bay xa trên thương trường. Có thể thấy điều này qua chặng đường vượt khó mà Công ty đã trải qua với những cột mốc ghi lại những thành tựu quan trọng.
Vườn ươm cao su giống của công ty. Ảnh: Lê Thành
Vườn ươm cao su giống của công ty. Ảnh: Lê Thành
Cuối năm 1993, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng của thời kỳ đầu vất vả, Công ty trồng được 3.278 ha cao su và đã đưa vào khai thác 372 ha, xây dựng một xưởng chế biến mủ cà-rếp, công suất 500 kg/ca. Lúc này, tổng số cán bộ công nhân viên có lúc lên đến 2.800 người, bình quân 0,9 ha/lao động, lương 270.000 đồng/người/tháng.
Tiếp đến là năm 2001, thực hiện việc sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, Công ty Cao su Chư Sê II được sáp nhập vào Công ty Cao su Mang Yang thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý được củng cố. Sau khi sáp nhập, diện tích vườn cao su của Công ty là 7.728,74 ha, trong đó vườn cây khai thác 4.266,21 ha, 47 ha cà phê. Tuy nhiên, năng suất thời điểm này rất thấp, chỉ đạt 6,7 tạ/ha. Làm gì để Công ty đi lên, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên là câu hỏi luôn thường trực trong đầu Ban Giám đốc và sau nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng Ban Giám đốc cũng tìm ra được biện pháp là phải chăm sóc vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Đất và cây đã không phụ công người, chỉ một năm sau, năng suất vườn cây cao su đã tăng lên rõ rệt: Nếu như năm 2001 năng suất mủ cao su chỉ đạt 6,7 tạ/ha thì đến năm 2002 năng suất đã tăng lên 8,6 tạ/ha và đạt mức 9 tạ/ha năm 2003…Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, được xem là thời kỳ thịnh vượng của Công ty, bởi tuy sản xuất- kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn luôn không ngừng phát triển vượt trội với kết quả ấn tượng. Cụ thể, nếu như năm 2003, Công ty khai thác được 3.100 tấn mủ quy khô, giá trị sản lượng thực hiện được 54,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,7 tỷ đồng, lương bình quân của cán bộ, công nhân viên 1 triệu đồng/người/tháng; đến năm 2007, Công ty khai thác được 6.215 tấn mủ quy khô, doanh thu đạt 206 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 58,9 tỷ đồng và thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân- lao động bình quân 2,4 triệu đồng/người/tháng và năm 2008, doanh thu đạt gần 270 tỷ đồng (xuất khẩu 5 triệu USD), lợi nhuận 69,8 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 12 tỷ đồng; sản lượng hoàn thành và vượt mức kế hoạch 10%, thu nhập bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2010 vừa qua, Công ty đã đạt: Tổng diện tích vườn cây khai thác là 6.611,45 ha, sản lượng khai thác được 7.564 tấn, 108% kế hoạch (tăng 1.314 tấn = 21,02% so với năm 2009), năng suất bình quân đạt 1,14 tấn/ha, tổng doanh thu đạt 525,880 tỷ đồng (tăng 137,79% so với năm 2009): Trong đó doanh thu từ sản xuất kinh doanh 470,619 tỷ đồng, kinh doanh cà phê 162 triệu đồng, doanh thu từ sản xuất phân bón là 12,109 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 4,611 tỷ đồng, kinh doanh khác 38,378 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 150,72 tỷ đồng (tăng 453% so với năm 2009), lợi nhuận sau thuế 113,13 tỷ đồng (tăng 434% so với năm 2009), nộp ngân sách nhà nước 58,423 tỷ đồng.Bên cạnh, Công ty đã đầu tư xây dựng được 3 nhà máy chế biến mủ: Mủ tờ (RSS) có công suất 3.000 tấn/năm; mủ cốm (SVR 3L) công suất 4.500 tấn/năm; mủ tạp (SVR 10-20) công suất 3.000 tấn/năm; hệ thống xử lý nước thải được đầu tư với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng được đánh giá là hiện đại nhất Tây Nguyên. Để quy trình sản xuất của Công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, năm 2007 Công ty thực hiện sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Đồng thời, Công ty cũng đang áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004. Thêm vào đó, Công ty còn đầu tư ra ngoài, góp vốn vào 6 doanh nghiệp khác với tổng số vốn 223,35 tỷ đồng nhằm đa dạng hóa nguồn thu (hiện nay kết quả sản xuất của các doanh nghiệp này khá ổn định nên mức cổ tức chia cho cổ đông cũng tăng dần theo từng năm).Không chỉ vậy, màu xanh cao su đi tới đâu là cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng… mở ra tới đó. Riêng về giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số ở Công ty Cao su Mang Yang cũng là một bước đột phá, trong vòng 6 năm Công ty đã đào tạo và đưa 1.100 lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc, chiếm gần 35% trong tổng số cán bộ, công nhân viên toàn Công ty... Ngoài ra, Công ty luôn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội từ thiện như: Hàng năm đã trích hàng tỷ đồng để hỗ trợ cho quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, cứu trợ bão lụt…Đặc biệt, Công ty đang có kế hoạch mở rộng diện tích 2.000 ha cao su trong nước, dự án Công ty TNHH một thành viên Chư Mo Ray huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với quy mô 6.440 ha, đã trồng 2.180 ha; đồng thời hợp tác trồng cao su tại Campuchia với quy mô 7.000 ha, đã trồng được 2.500 ha nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Trong hoạt động xuất khẩu, Công ty đang hướng tới xuất khẩu trực tiếp, giữ vững thị trường xuất khẩu tại thị trường châu Á, châu Âu và tiếp tục mở rộng thêm xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ”. Theo đánh giá của Công ty, năm 2011 là năm ngành Cao su Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, tăng cường đầu tư, liên doanh, liên kết mở rộng quy mô sản xuất trong và ngoài nước; thực hiện đa đạng hóa sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, tham gia thị trường quốc tế bền vững, cạnh tranh lành mạnh; chính sách của Đảng và Nhà nước tiếp tục tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Hơn nữa, những thành tích đã đạt được, cùng niềm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2009) và nhiều bằng khen có giá trị khác là động lực rất lớn giúp Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tập trung trí tuệ và sức lực, quyết tâm thực hiện tốt những mục tiêu chủ yếu năm 2011 tổng diện tích khai thác 6.580 ha, sản lượng mủ quy khô 7.600 tấn, năng suất bình quân 1,2 tấn/ha, tổng diện tích tái canh 88 ha, tổng diện tích chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản 895,93 ha, chế biến mủ cao su 8.290 tấn, thu mua cao su tiểu điền 200 tấn, sản xuất phân hữu cơ vi sinh 15.000 tấn, tiêu thụ cao su 8.200 tấn; tổng doanh thu 549 tỷ đồng.
Lê Thành

Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?

Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?

Đề xuất tăng lên 100% thuế tiêu thụ đặc biệt khiến ngành rượu bia lo ngại khó chồng khó. Các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường cũng lo trở tay không kịp. Chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh sốc cho doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Thu hút đầu tư nước ngoài bền vững

Thu hút đầu tư nước ngoài bền vững

Tại cuộc gặp nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong cam kết có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới, biến nhà máy Samsung tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu.