Hạn hán trên diện rộng: Cây khô, người khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã có mưa cục bộ ở một số nơi song do lượng nước tích trữ từ mùa mưa năm 2019 bị thiếu hụt, kết hợp với nắng nóng kéo dài khiến cho hàng ngàn héc ta cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Ngoài ra, hạn hán còn gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số vùng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.



Hàng ngàn héc ta cây trồng bị thiệt hại

Vụ Đông Xuân 2019-2020, bà con nông dân xã Bar Măih (huyện Chư Sê) gieo trồng được 158 ha lúa thì có hơn 61 ha mất trắng, 89 ha bị thiệt hại 50-70% vì nắng hạn. Hiện tại, người dân đang thu hoạch những diện tích lúa còn sót lại. Ông Bon (làng Tơ Drah) buồn rầu nói: “Vụ này, gia đình tôi gieo 6 sào lúa nước thì có hơn 1 sào bị mất trắng, còn lại năng suất giảm rất nhiều. Bình thường với diện tích này, tôi thu hoạch được 55-60 bao lúa nhưng năm nay khả năng chỉ được hơn 20 bao”. Tương tự, ông Đinh Bôp (cùng làng) cho hay: “Trong số 5 sào lúa của gia đình thì 3 sào bị hạn mất trắng. Chúng tôi trồng lúa chủ yếu để lấy lương thực ăn nhưng năm nay mất mùa như vậy chắc không đủ ăn rồi”.    

Ông Đinh Phát-Trưởng thôn Tơ Drah (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) bên một ruộng lúa bị giảm năng suất 50-70% do nắng hạn. Ảnh: L.N
Ông Đinh Phát-Trưởng thôn Tơ Drah (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) bên một ruộng lúa bị giảm năng suất 50-70% do nắng hạn. Ảnh: L.N



Ông Trần Minh Nhật-Chủ tịch UBND xã Bar Măih-cho biết: Bước vào mùa khô, nguồn nước tụt giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Trước thực tế đó, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên nguồn nước cho cây lúa. Xã cũng thành lập các tổ điều tiết nước tưới, tránh tình trạng ngăn dòng chảy, tranh chấp nước tưới và tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tận dụng các nguồn nước cứu cây trồng. Đồng thời, UBND xã đã tính đến phương án trích nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ tiền dầu cho người dân bơm nước cứu lúa nhưng không khả thi vì không có nguồn nước để bơm tưới. “Nắng hạn đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và có khả năng xảy ra thiếu đói. Do đó, UBND xã đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân bị thiệt hại; đồng thời, hỗ trợ giống cho người dân khôi phục sản xuất”-ông Nhật cho hay.  

Chư Sê là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do nắng hạn gây ra với hơn 572 ha lúa Đông Xuân mất trắng hoặc giảm năng suất, ước thiệt hại hơn 12,1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Từ cuối tháng 10-2019 đến nay, trên địa bàn huyện không có mưa. Trong khi đó, diện tích lúa Đông Xuân tại các địa phương chủ yếu sử dụng nguồn nước mạch để tưới. Ngoài ra, khi xảy ra hạn cũng không thể điều tiết nước từ các hồ chứa Ia Ring và Ia Glai về để cứu lúa. “Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động trích nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ tiền dầu, tiền điện cho các hộ bơm tưới đối với những diện tích có thể khôi phục được nhưng nguồn nước tại những khu vực này không còn”-ông Hợp cho biết thêm.

Lúa Đông Xuân thiếu nước bị cháy khô. Ảnh: Lê Nam
Lúa Đông Xuân thiếu nước bị cháy khô. Ảnh: Lê Nam



Tương tự, nắng nóng kéo dài cũng làm cho hàng ngàn héc ta lúa nước ở nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại. Cụ thể, huyện Đak Đoa có 341 ha, Mang Yang 165 ha, Chư Pah gần 170 ha, Đak Pơ 187 ha, Kbang gần 27 ha, Đức Cơ 37, TP. Pleiku gần 197 ha, thị xã An Khê 60 ha, thị xã Ayun Pa 2 ha. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Ngay từ đầu vụ, huyện đã triển khai các biện pháp chủ động phòng-chống hạn như: vận động nhân dân sử dụng nguồn nước hợp lý, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, đối với những chân ruộng thường xuyên bị hạn, huyện đã khoanh vùng và tuyệt đối không cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và phần lớn diện tích lúa của người dân đều ở khu vực không có công trình thủy lợi nên vẫn có 307 ha lúa bị mất trắng, khoảng 34 ha thiệt hại 30-70%, ước tổng thiệt hại gần 6,5 tỷ đồng. “Vừa qua, trên địa bàn huyện đã có mưa nhưng chỉ có thể giải hạn cho các loại cây công nghiệp dài ngày, còn cây lúa đã bị cháy khô thì không thể cứu được. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá, thống kê cụ thể thiệt hại để đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định”-ông Nguyễn Kim Anh cho hay. 

Quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt

Thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có 237 hộ với 890 khẩu. Trong đó, 185 hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 52 hộ sử dụng nước giếng đào, giếng khoan. Bước vào cao điểm mùa khô năm nay, do 2 giếng khoan của công trình cung cấp nước tập trung bị tụt giảm mạnh lượng nước nên không đảm bảo nước sinh hoạt phục vụ người dân. Do đó, 120 hộ đã bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 40 hộ thiếu nước trầm trọng. Ông Vũ Văn Cành cho biết: “Tôi sống ở đây đã 23 năm, cứ vào mùa khô thì lại thiếu nước sinh hoạt. Như gia đình tôi có 2 người nhưng bây giờ mỗi ngày phải mua 2 bình nước lọc mới đủ để nấu ăn, uống. Còn nước để tắm giặt thì phải mua 100 ngàn đồng/m3”. Cũng do thiếu nước sinh hoạt, cứ 2 ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng phải mua 1 bồn khoảng 2 m3 nước với giá 200 ngàn đồng để sử dụng. “Nhà có 4 người nên phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Nước rửa rau thì để dành lại rửa chén, còn ăn uống thì phải mua nước bình về dùng”-chị Hằng nói.

Nhiều ruộng lúa ở xã Bar Măih (huyện Chư Sê) bị cháy khô do nắng hạn. Ảnh: L.N
Nhiều ruộng lúa ở xã Bar Măih (huyện Chư Sê) bị cháy khô do nắng hạn. Ảnh: L.N


Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh có 1.758 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn, ước thiệt hại khoảng hơn 35,3 tỷ đồng. Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại hơn 1.523 ha, diện tích rau màu bị thiệt hại gần 177 ha...

Theo ông Hoàng Văn Ga-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đức Hưng: “Năm nào vào mùa khô, ở đây cũng bị thiếu nước nhưng năm nay là nghiêm trọng nhất. Ban Nhân dân thôn đã họp dân huy động đóng góp 200 ngàn đồng/hộ để khoan thêm 1 giếng lấy nước sinh hoạt phục vụ người dân. Tuy nhiên, lượng nước của giếng mới cũng chỉ được 0,7 m3/giờ, bơm hết công suất cũng chỉ được khoảng 15 m3/ngày. Vì vậy, thôn đã đề nghị cấp trên xem xét có giải pháp để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân”.

Liên quan đến việc người dân thôn Đức Hưng thiếu nước sinh hoạt, bà Bùi Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan-cho biết: “Thôn Đức Hưng đã vận động người dân đóng góp được 44 triệu đồng và UBND xã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Nếu thời gian tới còn thiếu nước thì UBND xã sẽ có phương án hỗ trợ thuê xe chở nước vào cấp cho người dân”.

Tại huyện Kbang, nắng hạn cũng làm cho nhiều giếng nước ở các xã: Đông, Lơ Ku, Kông Lơng Khơng, Đak Smar bị khô cạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của 235 hộ dân. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã chia sẻ khó khăn với nhau, hộ nào có giếng khoan còn nước thì giúp đỡ hộ thiếu nước. Đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nhìn chung đã được khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, bà con phải đi xa hơn để chở nước từ các thôn, làng lân cận về dùng.

Người dân huyện Chư Sê dùng ống để dẫn nước về cánh đồng. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Chư Sê dùng ống để dẫn nước về cánh đồng. Ảnh: Lê Nam



Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang xảy ra tại huyện Đak Pơ. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Qua kiểm tra, toàn huyện có 663 giếng nước đã cạn, ảnh hưởng đến 959 hộ. Huyện đã tập trung mọi giải pháp để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân sử dụng nước tại các công trình cấp nước tập trung một cách hợp lý”. Cũng theo ông Hiệp, trước mắt, UBND các xã chủ động trích kinh phí dự phòng hỗ trợ người dân nạo vét, khoan giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Nếu xã nào sử dụng hết quỹ dự phòng thì làm tờ trình đề nghị UBND huyện hỗ trợ thêm.      

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phòng-chống hạn. Cụ thể, đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới, ngành đã chỉ đạo các địa phương không tiến hành sản xuất; thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bố trí lịch tưới hợp lý cho cầy trồng; sử dụng giống ngắn ngày, có khả năng chịu hạn để gieo trồng và dịch chuyển lịch thời vụ sớm hơn nhằm tránh hạn cuối vụ. Tuy nhiên, do lượng nước tích trữ của mùa mưa năm 2019 bị thiếu hụt, kết hợp với từ tháng 12-2019 đến cuối tháng 3-2020 trên địa bàn tỉnh không có mưa nên đã làm cho một số diện tích cây trồng bị thiệt hại, chủ yếu là lúa và cây hoa màu. Riêng diện tích cây trồng dài ngày ít bị ảnh hưởng bởi người dân đã tưới được 3-4 đợt và vừa qua tại một số địa phương đã có mưa.

“Thời gian tới, các địa phương cần rà soát lại những vùng có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích gieo trồng đối với cây lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, các địa phương đánh giá, thống kê diện tích thiệt hại để đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất”-ông Có nhấn mạnh.

 

 LÊ NAM




 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.