Hai đạo sắc phong đặc biệt dành cho thôn Cửu Định thuộc Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thôn Cửu Định xưa nằm bên bờ Đông sông Ba, nay thuộc tổ 1, phường An Phước, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Những năm đầu thế kỷ XX, những người có uy tín trong thôn đứng ra vận động dân làng đóng góp xây dựng đình làm nơi sinh hoạt chung về tín ngưỡng và việc làng. Qua nhiều lần thay đổi vị trí, khoảng năm 1963, đình mới dời đến khu vực hiện nay, bên cạnh miếu Thanh Minh. Từ 2006 trở lại đây, đình Cửu Định được trùng tu, xây dựng lại khá khang trang.

Toàn cảnh đình Cửu Định.
Toàn cảnh đình Cửu Định. Ảnh tư liệu

Di sản văn tự Hán-Nôm của đình Cửu Định hiện tại gồm hơn 20 đơn vị, là những tài liệu quý chứa đựng các thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa thôn Cửu Định xưa nói riêng và lịch sử, văn hóa vùng đất An Khê, Gia Lai nói chung. Nếu phân theo chất liệu hiện vật, di sản văn tự này gồm 4 nhóm: nhóm văn tự trên hiện vật chất liệu giấy, nhóm văn tự trên hiện vật chất liệu gỗ, nhóm văn tự trên hiện vật chất liệu vải và nhóm văn tự trên hiện vật chất liệu xi măng. Trong đó, nhóm thứ nhất có niên đại xưa và quý nhất, với 2 sắc thần năm 1911 từ thời Duy Tân, trải qua hơn 1 thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên vẹn vì được giữ gìn kỹ lưỡng, 1 sắc phong cho thần Thiên Y A Na và 1 sắc hợp phong cho thần Thành Hoàng, Thổ Địa. Cả 2 sắc phong này đều ra đời cùng một thời điểm, được làm từ giấy dó tinh luyện, nhuộm vàng, hoa văn nhũ bạc có tính thẩm mỹ và độ bền cao; phần văn tự được viết theo thể thức văn bản hành chính, nét chữ chân phương, ngay ngắn, rõ ràng; kích thước chung: 126 cm x 49 cm.

Việc được sắc phong và đón nhận sắc thần là một sự kiện trọng đại trong lịch sử các thôn và các đình. Năm 1911 (Tân Hợi), triều đình nhà Nguyễn thời Vua Duy Tân đã ban sắc phong thần cho thôn Cửu Định, làng cử ông Nguyễn Gia Huệ dẫn đầu đoàn người mang theo cờ trống xuống huyện Bình Khê để rước sắc đem về. Từ đó, sắc thần được dân làng Cửu Định thờ cúng và truyền nhau gìn giữ cẩn thận cho đến tận ngày nay. Tại đình, sắc thần được cuộn tròn, cất giữ trong hộp gỗ đặt giữa khám thờ riêng bằng gỗ gọi là “long đình”, chỉ được mở ra trong những dịp trọng đại của làng xã, cần đến việc khai sắc.

 Khai sắc tại chánh điện đình Cửu Định (ảnh tư liệu).
Khai sắc tại chánh điện đình Cửu Định. Ảnh tư liệu



Sắc phong thần Thiên Y A Na

Đạo sắc thứ nhất dành riêng cho Thiên Y A Na, một vị nữ thần có gốc gác Chiêm Thành được phong đến “Thượng đẳng thần” là thứ bậc cao nhất trong hệ thống thần linh của nhà Nguyễn. Tín ngưỡng Thiên Y A Na phổ biến tại vùng duyên hải miền Trung và trong phần nhiều các làng xã tại An Khê. Tín ngưỡng dân gian này cùng với sự công nhận của chính quyền phong kiến đương thời một mặt cho thấy ảnh hưởng của văn hóa người Chăm đến văn hóa người Kinh, đồng thời cũng cho thấy phương diện nhân văn, tôn trọng của người Kinh đối với công lao của các dân tộc đi trước, trong công cuộc mở mang đất nước. Người An Khê thường gọi nơi thờ Thiên Y A Na (cùng các thần nữ khác) là “Miếu Bà”, “Dinh Bà”, “Dinh Cô” và gọi riêng bà bằng cái tên gần gũi là “Bà Thiên Y” hoặc “Bà A Na” hay chỉ một tiếng “Bà”. Quyền năng của nữ thần Thiên Y A Na được cho là bao trùm một vùng, một miền, bảo trợ cả cho những người làm nghề trồng trọt, chăn nuôi, đi rừng, nghề buôn bán, nghề đánh cá tránh khỏi những tai ương vì thiên tai, bệnh tật, chiến tranh, ma quỷ.

Dịch nghĩa: “Sắc cho thôn Cửu Định thuộc huyện Bình Khê, tinh Bình Định thờ phụng thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Thần có công giúp nước che dân, tỏ rõ linh ứng, mà trước đây chưa được ban cấp sắc văn. Ta nay gánh sứ mệnh lớn, nghĩ đến công lao của ngài, phong mỹ hiệu là: Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng, bậc Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Ngài hãy giúp đỡ che chở cho con dân của ta. Nay sắc. Ngày mùng 8 tháng 6 nhuận, niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 (1911)”.

Sắc phong thần Thành Hoàng và Thổ Địa

Đạo sắc thứ 2 hợp phong cho 2 vị thần là Thành Hoàng và Thổ Địa. Đây là những vị thần quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người Kinh. Các thần giữ vai trò là những người có quyền năng bảo vệ dân chúng trong một làng một xóm được bình yên.

Dịch nghĩa: “Sắc cho thôn Cửu Định thuộc huyện Bình Khê, Tỉnh Bình Định thờ phụng thần Thành Hoàng và thần Thổ Địa bổn xứ. Các thần có công giúp nước che dân, tỏ rõ linh ứng, mà trước đây chưa được ban cấp sắc văn. Ta nay gánh sứ mệnh lớn, nghĩ đến công lao của các ngài, phong mỹ hiệu cho thần Thành Hoàng là: Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng chi thần, phong mỹ hiệu cho thần Thổ Địa bổn xứ là: Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng chi thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Các ngài hãy giúp đỡ che chở cho con dân của ta. Nay sắc. Ngày mùng 8 tháng 6 nhuận, niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 (1911)”.

Nội dung các sắc phong cho chúng ta biết, vào đầu thế kỷ XX, thời Vua Duy Tân, thôn Cửu Định thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định và có tín ngưỡng dân gian thờ Thành Hoàng, Thổ Địa, Thiên Y A Na bảo hộ làng xóm, được chính quyền nhà Nguyễn công nhận.

Các sắc thần thuộc về di sản văn tự, loại hình di sản này ở đình Cửu Định khá phong phú về thể loại, ngoài những văn tự cổ truyền do các thế hệ đi trước để lại, còn có các văn tự mới được các thế hệ sau nối tiếp nhau kiến tạo thêm theo các giai đoạn trùng tu tôn tạo. Nhóm văn tự cổ xưa là những tài liệu thông tin quý giá giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử, văn hóa thời kỳ trước; nhóm văn tự mới được kiến tạo ở giai đoạn sau cũng có những giá trị đáng chú ý, bởi chúng thể hiện sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống. Điều này cũng cho thấy rõ sức sống tiềm tàng của văn tự Hán-Nôm truyền thống, chứng minh rằng loại văn tự này không phải đã chết, vẫn có đời sống và sức sống, giá trị riêng trong thời đại mới, mà chúng ta cần trân trọng, tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu rõ hơn đời sống văn hóa tinh thần của những con người tạo ra và sống chung với chúng trong cùng một không gian.

 

LƯU HỒNG SƠN

 

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.