HAGL và THACO hợp tác chiến lược:"Cú đảo chiều" lịch sử của nền nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tối 8-8, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức lễ công bố hợp tác chiến lược. Một trong những mục tiêu quan trọng mà hai bên hướng đến trong việc hợp tác là đưa Công ty Nông nghiệp HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á dựa trên quỹ đất hơn 80.000 ha tại khu vực Tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên, Việt Nam; Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Sự hợp tác “môn đăng hộ đối”
Tại lễ công bố hợp tác chiến lược với THACO, ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn HAGL-thông tin: Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn kinh tế lớn với tổng tài sản lên đến 53.000 tỷ đồng, hoạt động trên 25 năm với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ lực hiện nay là nông nghiệp, trải rộng trên lãnh thổ của 3 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha. Bên cạnh đó, HAGL có đội ngũ cán bộ, kỹ sư lên đến hàng ngàn người được đào tạo bài bản ở các trường đại học Việt Nam và quốc tế.
Quang cảnh lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và THACO. (Ảnh: internet)
Quang cảnh lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và THACO. (Ảnh: internet)
Đến dự lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và THACO, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong gần 10 năm qua, HAGL đã đầu tư phát triển cây cao su với quy mô lớn tại 3 nước Đông Dương. Tuy nhiên, HAGL đã không may khi bắt đầu triển khai trồng thì giá mủ cao su lên đến 5.000 USD/tấn nhưng khi chính thức đưa vào khai thác thì giá giảm sâu, đến nay chỉ khoảng 1.300 USD/tấn. Từ đó, các hoạt động khai thác mủ cao su gần như ngưng trệ toàn bộ do càng khai thác càng lỗ. Điều này khiến HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng, bị mất thanh khoản, không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Trước tình hình đó, HAGL đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn quả với tổng diện tích đã trồng lên đến 12.000 ha (mục đích lấy ngắn nuôi dài, tạo thanh khoản) với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, chanh dây, bưởi da xanh, mít và hơn 10 loại cây ăn quả khác. Diện tích này đã bắt đầu cho thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Mặc dù có tín hiệu rất khả quan nhưng HAGL vẫn đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Những cái thiếu của HAGL hiện nay như tài chính, cơ khí, tự động hóa, chương trình quản trị doanh nghiệp hiệu quả, kinh nghiệm xây dựng nhà máy, quản lý sản xuất trên quy mô lớn như ông Đoàn Nguyên Đức tự nhận lại là thế mạnh của THACO. Theo ông Trần Bá Dương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO, qua 21 năm hình thành và phát triển, đến nay, THACO được xem là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Trong năm 2018, dự kiến tổng doanh thu hợp nhất của THACO đạt trên 75.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 6.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2017, trên cơ sở định hướng của Chính phủ về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, THACO đã đầu tư thêm ngành sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp dựa trên thế mạnh về cơ khí sẵn có. “Sau thời gian nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cần phải có thêm 3 giải pháp đồng bộ nhằm chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp là: ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình; quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt theo nhóm: ngũ cốc, cây ăn quả và cây công nghiệp”-ông Dương cho biết.
Phát biểu tại lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và THACO, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví von sự hợp tác này là “môn đăng hộ đối”. Bởi lẽ, với tiềm lực tài chính, năng lực và công nghệ, THACO sẽ góp phần bù đắp vào những khoảng trống hiện nay của nông nghiệp Việt Nam, biến giấc mơ và khát vọng nông nghiệp của HAGL nói riêng, nông nghiệp Việt Nam, Lào, Campuchia nói chung trở thành hiện thực.
“Cú đảo chiều” lịch sử của nền nông nghiệp
Ảnh: Minh Triều
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (bìa trái) thăm cơ sở sản xuất chuối của HAGL tại tỉnh Attapeu (Lào). Ảnh: Minh Triều
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, đối với ngành nông nghiệp, HAGL và THACO đã thống nhất chiến lược phát triển dài hạn. Theo đó, về tầm nhìn, sẽ đưa Công ty Nông nghiệp HAGL thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung dựa trên quỹ đất hơn 80.000 ha nằm tại khu Tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Để đạt được mục tiêu đó, về cơ cấu cây trồng, bên cạnh duy trì chăm sóc và khai thác 40.000 ha cao su hiện có, Công ty Nông nghiệp HAGL sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cây ăn quả và cây dược liệu nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, từ 12.000 ha cây ăn quả hiện nay, trong 2 năm 2019 và 2020, Công ty sẽ tăng lên thành 30.000 ha với những cây chiến lược như chuối, thanh long, bưởi da xanh... Trong đó, chuối có diện tích 10.000 ha, thanh long 3.000 ha, xoài 4.500 ha, mít 4.000 ha, bưởi da xanh 3.000 ha, nhãn 1.000 ha, bơ 500 ha và các loại cây khác như cam, quýt, sầu riêng… Về cây dược liệu, Công ty sẽ đầu tư trồng 5.000 ha phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống.
Ông Võ Trường Sơn-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HAGL: Trên tổng thể thì chiến lược phát triển của HAGL và THACO sẽ áp dụng chung ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia chứ không có sự phân biệt. Tuy nhiên, việc chế biến sau thu hoạch sẽ ưu tiên đặt tại Gia Lai. Hoàng Anh Gia Lai đã đăng ký đất trong Khu Công nghiệp Nam Pleiku với diện tích 18 ha, trong tương lai sẽ xây dựng nhà máy chế biến ở đó.

Liên quan đến sản phẩm và thị trường tiêu thụ, ông Đức khẳng định, Công ty Nông nghiệp HAGL chú trọng sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global GAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Về dung lượng thị trường, Công ty lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh thì Công ty cũng sẽ chú trọng phát triển thị trường nội địa, thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Công ty cũng sẽ đầu tư chế biến sâu sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cho thị trường.
Về việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Công ty Nông nghiệp HAGL đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel rất hiệu quả. Trong tương lai, Công ty hướng dần đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, trồng cây, làm cỏ đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch... Công ty cũng sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến hiện đại tạo ra các sản phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, cấp đông... để xuất khẩu, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đối với việc nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác với nông dân, ông Đức thông tin: Công ty Nông nghiệp HAGL đang nghiên cứu 2 mô hình hợp tác với nông dân. Thứ nhất là khoán chăm sóc trên quỹ đất của Công ty. Mô hình này có tác dụng giúp tăng động lực làm việc và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Thu nhập của người lao động sẽ gắn liền với năng suất và chất lượng sản phẩm trên diện tích mà họ được giao khoán. Mô hình thứ 2 là hợp tác chuyển giao công nghệ, cung ứng các yếu tố đầu vào của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của nông dân. Mô hình này sẽ giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn trên diện tích đất của mình. Công ty Nông nghiệp HAGL sẽ đóng vai trò hướng dẫn, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua sản phẩm của nông dân để chế biến và xuất khẩu, giúp cho người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp và ổn định sản xuất kinh doanh một cách bền vững.
Đánh giá cao sự hợp tác của HAGL và THACO, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 2 doanh nghiệp không chỉ thiết lập một hình mẫu tiên tiến về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp mà rộng hơn là cùng kiến tạo xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, mở rộng sân chơi, mời gọi những doanh nghiệp lớn đầu tư và phát triển trong nông nghiệp, tham gia sâu vào nông nghiệp. Do đó, có thể gọi đây là “cú đảo chiều” lịch sử của nền nông nghiệp nước ta. Sự tham gia của THACO và nhiều tập đoàn lớn khác vào lĩnh vực nông nghiệp, theo Thủ tướng, đã góp phần phá vỡ định kiến lâu năm về nông nghiệp Việt Nam đó là làm nông nghiệp nhiều rủi ro và không thể giàu. Thay vào đó, trong bối cảnh hiện nay, làm nông nghiệp sẽ giàu lên nếu tư duy sản phẩm tốt, chiến lược thị trường thông minh, biết ứng dụng công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Làm nông nghiệp không chỉ có đam mê, có tiềm lực mà phải có tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, có tấm lòng hướng về xã hội và người nông dân. Đó cũng chính là nguyên tắc cốt lõi làm nên quyết sách và niềm tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi đến dự buổi lễ”.
Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.