HAGL Agrico không dễ phát hành trái phiếu chuyển đổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) vừa thông báo về việc phát hành hơn 2.217 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.

 
HAGL Agrico hiện trồng 18 loại cây ăn trái khác nhau trên diện tích 13.524 ha, mang về 63% doanh thu cho Công ty trong quý I/2018. Ảnh: Hoàng Anh
HAGL Agrico hiện trồng 18 loại cây ăn trái khác nhau trên diện tích 13.524 ha, mang về 63% doanh thu cho Công ty trong quý I/2018. Ảnh: Hoàng Anh




Với những điều khoản không mấy thuận lợi cho nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, cũng như diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán, đợt phát hành này của HAGL Agrico có khả năng gặp khó.

Diễn biến không thuận lợi

HAGL Agrico sẽ chào bán ra công chúng 221.710 trái phiếu bắt buộc chuyển đổi không có tài sản bảo đảm với mệnh giá là 10 triệu đồng. Loại trái phiếu được chào bán có kỳ hạn là 1 năm và lãi suất là 0%. Giá thực hiện chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là 1 trái phiếu sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi.

Trước đó, theo tờ trình lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu vào tháng 4/2018, số trái phiếu trên sẽ được chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Tại ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được 1 quyền mua, cứ 4.000 quyền mua thì được mua 1 trái phiếu chuyển đổi. Nếu đợt chào bán trên thành công, HAGL Agrico sẽ sử dụng số tiền hơn 2.217 tỷ đồng thu được đầu tư trồng mới, chăm sóc cây ăn trái (1.137 tỷ đồng) và tái cơ cấu tài chính (1.080 tỷ đồng).

Chưa thể nói trước về khả năng thành công của đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi này, bởi lẽ giá cổ phiếu HNG hiện vẫn được giao dịch quanh mức 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mệnh giá thực hiện chuyển đổi. Ngoài ra, với lãi suất trái phiếu là 0%, nếu cổ phiếu HNG vượt được mệnh giá sau 1 năm nữa thì nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu này mới có cơ hội hòa vốn.

Với rủi ro như vậy, Công ty cũng cho biết có khả năng đợt chào bán này sẽ không thành công. Trong trường hợp kết quả chào bán không đạt được mục tiêu đề ra, Hội đồng Quản trị Công ty sẽ tiếp tục phân phối cho các đối tượng khác và tìm kiếm các nguồn vốn khác để thực hiện các kế hoạch sử dụng vốn như đã được thông qua.

Vào đầu tháng 3/2018, HAGL Agrico cũng đã không thành công trong việc chào bán 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cá nhân. Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT HAGL Agrico cũng đã không “xuống” tiền cho cổ phiếu HNG nào trong 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký mua từ ngày 17/1 đến 13/2/2018 với lý do không kịp thu xếp tài chính. Đây cũng là khoảng thời gian cổ phiếu HNG giảm sâu từ mức giá 9.480 đồng xuống còn 6.380 đồng, tương đương mức giảm 32,7%.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây cũng không thuận lợi cho đợt phát hành này của HAGL Agrico. Sau khi lập đỉnh 1.198 điểm vào ngày 10/4, chỉ số VNIndex đã mất mốc 980 điểm trong bối cảnh dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường.

Trái cây là mảng chủ lực trong hoạt động kinh doanh

Trong quý I/2018, HAGL Agrico đạt 558,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 21,5 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trái cây đang là mảng đóng góp tỷ trọng lớn nhất, 63% trong cơ cấu doanh thu và tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là ớt đóng góp 93 tỷ đồng doanh thu, tương đương tỷ trọng 16,6%.

Hiện tại, Công ty trồng 18 loại cây ăn trái khác nhau trên diện tích 13.524 ha. Trong đó, 100 ha tại Lào được dành cho chanh dây, 1.375 ha cho thanh long, 2.061 ha cho chuối, 771 ha cho mít và 2.010 ha trồng xoài… HAGL Agrico cho biết, hiện đang trồng ớt trên diện tích 927 ha và bắt đầu thu hoạch từ quý IV năm 2017.

Đối với ngành chăn nuôi bò thịt, HAGL Agrico cho biết, đây là ngành cần vốn lưu động lớn để đầu tư trong khi tình hình tài chính năm 2017 của Công ty vẫn đang gặp khó khăn nên Công ty đã chủ động cắt giảm quy mô. Hiện chỉ duy trì chăn nuôi khoảng 13.000 con. Tuy biên lợi nhuận của mảng chăn nuôi bò thời điểm hiện tại không cao, nhưng đây là lợi thế quan trọng để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín khi cung cấp lượng phân hữu cơ cho cây ăn trái.

Về cao su, tính tới thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cao su của Công ty là 46.916 ha, trong đó có 20.049 ha tại Lào, 5.078 ha tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. Công ty đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn mủ tươi/năm tại Lào.

Thế Anh (baodauthau)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.