HAG 'trả nợ trước hạn' cho dự án chăn nuôi bò tại Gia Lai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để có thể hiểu hơn về ý nghĩa của thương vụ, cần phải liên hệ với thời điểm mà HAG phát hành lô trái phiếu này. Đó là quãng thời gian HAG phải 'gánh' áp lực chi phí tài chính do dư nợ vay quá lớn trong khi lại cần vốn để chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực chăn nuôi, mà cụ thể ở đây là chăn nuôi bò thịt.
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mua lại 594 tỷ đồng trái phiếu với “giá”…625 tỷ đồng
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố thông tin về việc mua lại toàn bộ 594 trái phiếu, có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, từ trái chủ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB) nhằm “cơ cấu lại nợ”. Số tiền mà HAG chi ra để thực hiện thương vụ này lên tới hơn 625,14 tỷ đồng.
Được biết, đây là những trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, còn lại trong đợt phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu được HAG thực hiện vào ngày 25/8/2015 và dự kiến sẽ đáo hạn vào ngày 27/12/2021.
Theo tìm hiểu của VietTimes, mức lãi suất của lô trái phiếu này có tính chất thả nổi, được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND đối với kỳ hạn 12 tháng trả lãi của kỳ của VPBank được xác định tại ngày xác định lãi suất cộng với biên độ 4%. Trong năm 2018, mức lãi suất này dao động từ 10,5 - 11,4%/năm.
Nguồn tiền từ việc phát hành lô trái phiếu trên nhằm mục đích giúp HAG tài trợ cho một dự án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản có tổng giá trị lên tới 963,96 tỷ đồng tại xã Ia Băng, Huyện Chư Prong, Tỉnh Gia Lai.
Với mục tiêu thực hiện dự án này, công ty con của HAG là CTCP Bò sữa Tây Nguyên (Bò sữa Tây Nguyên) đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh dài hạn với Công ty TNHH An Tiến (An Tiến). Theo đó, An Tiến cam kết góp 700 tỷ đồng và HAG cam kết góp 263,968 tỷ đồng vốn đầu tư dự án. Lợi nhuận từ dự án sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn thực tế.
Đáng chú ý, Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của HAG cho biết An Tiến là “bên liên quan” và mới chỉ góp vốn 550 tỷ đồng vào dự án tính đến thời điểm 31/12/2018.
 
Bên trong trang trại chăn nuôi bò do CTCP Bò sữa Tây Nguyên và Công ty TNHH An Tiến hợp tác đầu tư (Ảnh: tapchimoitruong.vn)
Đằng sau việc HAG mua lại trái phiếu trước hạn
Cũng theo báo cáo tài chính của HAG, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là một danh sách khá “khủng”, bao gồm: “196.368.900 cổ phần HAN (CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh - PV) sở hữu bởi Công ty; Tài sản hình thành từ công trình xây dựng Khu Phức Hợp Hoàng Anh Myanmar và vốn góp 51 triệu USD của HAN vào HAGL Myanmar; 225.970.000 cổ phần của DHA (CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai - PV); 166.345.440 cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Công ty; 19.940.000 cổ phần của HNG (CTCP nông Nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - PV) tại CTCP Đông Pênh và Dự án 7.736,08 ha cọ dầu của Công ty TNHH MTV Daun Penh Agrico tại Xã Chey ou Dom, huyện Lumphat, Tỉnh Ratanakiri, Campuchia”.
Sỡ dĩ HAG phải thế chấp nhiều tài sản để đảm bảo cho 600 tỷ đồng trái phiếu, so với quy mô của tập đoàn, có lẽ không bắt nguồn từ giá trị của các tài sản đảm bảo này.
Bởi chỉ riêng Khu Phức Hợp Hoàng Anh Myanmar - dự án bất động sản lớn nhất của HAG- cũng được thị trường định giá cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể mỗi năm dự án giúp cho HAG thu về số tiền không hề nhỏ.
Do đó, nguyên nhân có thể đến từ việc một số các tài sản kể trên cũng được HAG sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho những thương vụ phát hành trái phiếu khác.
Đơn cử như tài sản là “196.368.900 cổ phần HAN” thuộc sở hữu của HAG cũng là tài sản đảm bảo của lô trái phiếu 930 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM - Chi nhánh Sở giao dịch Đồng Nai. Đồng thời, số cổ phần này cũng là tài sản đảm bảo của lô trái phiếu 300 tỷ đồng phát hành cho CTCP Việt Golden Farm.
Để có thể hiểu hơn về ý nghĩa của thương vụ, cần phải liên hệ với thời điểm mà HAG phát hành lô trái phiếu này. Đó là quãng thời gian HAG phải “gánh” áp lực chi phí tài chính do dư nợ vay quá lớn trong khi lại cần vốn để chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực chăn nuôi, mà cụ thể ở đây là chăn nuôi bò thịt.
Trong bối cảnh đó, nguồn vốn huy động được từ trái phiếu là “cứu cánh” giúp HAG thực hiện được những dự án mới, phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị dư nợ trái phiếu mà HAG phát hành đã đạt 10.983 tỷ đồng.
Nhưng nay chiến lược của HAG cũng đã khác, sau những thành công bước đầu với cây ăn trái, tập đoàn này muốn tiếp tục đầu tư để “chơi lớn” trong lĩnh vực này trong năm 2019.
Mục tiêu này được thể hiện qua những khẳng định của người đứng đầu tập đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức) - khi cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi hệ sinh thái nông nghiệp bằng mọi giá. Trong đó, cây ăn trái sẽ là mảng chủ lực được kỳ vọng sẽ đưa HAG trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, “bầu” Đức cũng dự tính “buông” các lĩnh vực bất động sản và thủy điện để tập trung cho hướng đi mới trong lĩnh vực cây ăn trái. Song hành với HAG, giờ đây không chỉ có các ngân hàng, trái chủ, cổ đông mà còn đối tác chiến lược - CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Phạm Duy (VietTimes)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này