Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, chuyên gia lưu ý nguy cơ biến chứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 16-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý trong số đó đã có 4 ca tử vong, ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trong tuần từ ngày 9 đến 16-9 với 760 ca, tăng gần 39% so với tuần trước đó và có 1 ca tử vong.
Hai địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là Bắc Từ Liêm và Thanh Oai; tất cả 30 quận, huyện của Hà Nội đã có người mắc sốt xuất huyết. Toàn thành phố có 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện, trong đó 118 ổ dịch đang hoạt động. Hai ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân nhất là tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân).
Về 4 ca sốt xuất huyết tử vong, Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là các trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn, các bệnh nhân đều có bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết; do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị sốt xuất huyết bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Do đang trong cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết nên ngành Y tế dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch. Để ngăn chặn dịch bệnh gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm; yêu cầu các địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng những khu vực xuất hiện ổ dịch và khu vực nguy cơ cao.
UBND thành phố cũng có công văn gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch, bệnh.
Là điểm nóng dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 14-9, toàn quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 171 ca mắc, phân bố ở tất cả 13 phường; tăng 151 ca so với cùng kỳ năm 2021; có 27 ổ dịch tại 9 phường. Quận Bắc Từ Liêm đã triển khai 24 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy ở tất cả các phường. Để dập dịch tại địa bàn nóng này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị quận Bắc Từ Liêm cần triển khai hiệu quả công tác phát hiện người mắc các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng; hướng dẫn để người dân chủ động thông báo ngay khi phát hiện bản thân, người nhà mắc, nghi mắc các bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, quận triển khai hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và vệ sinh lớp học, đồ chơi, dụng cụ học tập phòng, chống bệnh tay chân miệng khi trẻ tới trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường lưu ý những đối tượng có nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền; ngoài ra những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột... cũng cần chú ý theo dõi. Khi người bệnh sốt cao liên tục trong nhiều ngày, phát ban, đau cơ và khớp… thì cần khẩn trương đến khám tại cơ sở y tế; không được tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
TUYẾT MAI
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.