Góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 4, 8, 11: Nghiêm túc, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bản mẫu sách giáo khoa (SGK) mới các lớp 4, 8 và 11 vừa được triển khai lấy ý kiến góp ý từ đội ngũ giáo viên trên cả nước. Tại Gia Lai, công tác này đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo nghiêm túc, trách nhiệm và có chất lượng.
Đây là năm thứ 3 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai góp ý bản mẫu SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, hầu hết cơ sở giáo dục liên quan đều đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức góp ý sao cho đạt hiệu quả.
Cô Trần Thị Minh Phú-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: Ngay khi nhận được công văn của Phòng GD-ĐT thành phố, nhà trường đã triển khai cho toàn bộ giáo viên đang giảng dạy khối 8 đọc, nghiên cứu và góp ý theo từng tổ chuyên môn đối với bản mẫu SGK lớp 8. Việc góp ý dựa trên tinh thần xây dựng, tránh hình thức, qua loa đại khái bởi đây sẽ là tiền đề cho việc đề xuất lựa chọn SGK trong thời gian tới. Trên cơ sở ý kiến chung của tập thể, nhà trường đã tổng hợp và gửi về Phòng GD-ĐT trong tháng 11.
Giáo viên Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thảo luận góp ý bản mẫu SGK môn Toán lớp 8. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thảo luận góp ý bản mẫu SGK môn Toán lớp 8. Ảnh: Mộc Trà
16 năm giảng dạy môn Toán bậc THCS, cô Nguyễn Thị Thu Thủy-giáo viên Trường THCS Trần Phú đặc biệt quan tâm đến những đổi mới của bộ môn này trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, khi được tổ trưởng chuyên môn giao nhiệm vụ nghiên cứu bản mẫu SGK lớp 8 phần đại số của cả 3 bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, cô đã dành thời gian đọc khá kỹ. Cô Thủy chia sẻ: “Qua kinh nghiệm và quá trình nghiên cứu, tôi thấy nội dung trong sách mới khá hay, đảm bảo liền mạch kiến thức và phù hợp với mức độ tiếp thu của học sinh. Sách mới còn tăng cường hàm lượng toán ứng dụng so với chương trình hiện hành; màu sắc, hình ảnh minh họa cũng phong phú hơn. Sau khi tự nghiên cứu, chúng tôi đã họp tổ chuyên môn, bám vào chuẩn yêu cầu để thống nhất các góp ý về ưu-nhược điểm của từng cuốn sách; từ đó, đề xuất chỉnh sửa một số nội dung chưa phù hợp”.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trong đợt đầu tiên này, mỗi Sở GD-ĐT sẽ chọn 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK. Đối với lớp 11, Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) có 5 giáo viên cốt cán được chọn cử góp ý cho các môn: Toán, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Hóa học, Công nghệ, Thể dục. Hiệu trưởng Trần Văn Thế cho hay: Thực hiện công văn của Sở GD-ĐT, nhà trường đã thông báo và quán triệt cho đội ngũ giáo viên được chọn tham gia góp ý nâng cao tinh thần trách nhiệm, đọc và nghiên cứu kỹ về nội dung, hình thức, cách trình bày… của bản mẫu SGK để đưa ra những góp ý sát thực, làm cơ sở cho việc đề xuất chọn sách giảng dạy trong năm học 2023-2024. 
Cô Lê Thị Ngọc Hải là giáo viên duy nhất của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được Phòng GD-ĐT thị xã chọn cử tham gia góp ý bản mẫu SGK môn Tin học lớp 4. Năm học trước, cô Hải cũng từng được giao góp ý bản mẫu SGK Tin học lớp 3 nên dễ dàng tiếp cận và nắm bắt công việc. “Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, mỗi đầu sách đều có ưu và nhược điểm riêng, song nhìn chung đều hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực sáng tạo của học sinh. Môn Tin học chương trình mới có sự nâng cao hơn và cập nhật kịp thời những kiến thức áp dụng hiện hành. Để góp ý có chất lượng, tôi đọc kỹ yêu cầu cần đạt của chương trình, từ đó đối chiếu lại bản mẫu xem nội dung có đáp ứng yêu cầu hay không, bao gồm cả khả năng tiếp thu của học sinh và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục”-cô Hải nói.
Cô Lê Thị Ngọc Hải-Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thamg gia góp ý bản mẫu SGK môn Tin học lớp 4. Ảnh: Mộc Trà
Cô Lê Thị Ngọc Hải-Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thamg gia góp ý bản mẫu SGK môn Tin học lớp 4. Ảnh: Mộc Trà
Để đảm bảo chất lượng SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời giúp giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trong tháng 11 và đầu tháng 12, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho giáo viên trực tiếp dạy học các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 4, 8 và 11. Theo đó, ở bậc THPT, Sở GD-ĐT đã chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK (định dạng PDF) tại website của nhà xuất bản theo tài khoản truy cập trực tuyến; yêu cầu các phòng GD-ĐT lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, trực tiếp giảng dạy các môn học/hoạt động giáo dục thực hiện nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK lớp 4 và lớp 8. 
Ông Nguyễn Lương Bảy-Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-thông tin: Bên cạnh chọn cử giáo viên chủ chốt tham gia góp ý theo môn học và bậc học, Phòng còn chỉ đạo các trường triển khai góp ý đại trà thông qua việc giao tài khoản và hướng dẫn tất cả giáo viên được phân công dạy các lớp 4, 8 năm học 2022-2023 vào website của các nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK mới; sau đó, tổng hợp góp ý gửi về Phòng để tiếp tục tổng hợp gửi lên Sở GD-ĐT; đồng thời, đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để chuẩn bị đề xuất lựa chọn sách. Đến nay, ngành Giáo dục thành phố đã hoàn thành việc góp ý bản mẫu SGK lớp 4 và lớp 8. 
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, thời gian để nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK chỉ khoảng 1 tuần như hiện tại là quá ít, trong khi họ còn phải đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn. Vì thế, các nhà xuất bản cần chủ động có bản mẫu SGK sớm và nên tổ chức góp ý vào dịp hè để giáo viên có nhiều thời gian đọc, nghiên cứu giúp việc góp ý được thuận lợi và có chất lượng hơn.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.