Chương trình, sách giáo khoa mới các lớp 3, 7 và 10: Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2022-2023, cả nước sẽ tổ chức dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 3, 7 và 10. Thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai cũng đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. 
Chủ động trong toàn ngành
Sau tiết dạy, cô Phan Thị Hồng-giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) cùng một số đồng nghiệp tranh thủ đọc và nghiên cứu bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 10 mới theo môn học mình phụ trách. Cô Hồng cho biết: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh mục SGK lớp 10 mới, cô luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng tiếp cận sớm nhất với bản mẫu. Vì vậy, ngay khi được cấp tài khoản, cô đã chú tâm đọc thật kỹ và bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình để so sánh, nắm bắt. “Nội dung và hình thức sách khá phong phú, nhiều kiến thức mới được đưa vào; kết cấu các bài học khá logic và mang tính hệ thống cao. Tuy nhiên, dạy học theo chương trình mới, bên cạnh vững chuyên môn, giáo viên còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội để lồng ghép vào bài giảng; tích cực đổi mới về phương pháp soạn giáo án cũng như cách truyền đạt cho học sinh. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi người phải tự rèn luyện và bồi dưỡng”-cô Hồng chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, dự kiến năm học 2022-2023, nhà trường sẽ tuyển khoảng 600 học sinh lớp 10. Cơ sở vật chất và trang-thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhà trường đã hoàn chỉnh dự kiến phân công giáo viên giảng dạy lớp 10 cho năm học tiếp theo. Trước đó, giáo viên đã tham gia bồi dưỡng các mô-đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên do Sở GD-ĐT tổ chức. “Nhà trường đang triển khai cho các tổ chuyên môn và giáo viên đọc, nghiên cứu file mềm bản mẫu SGK của môn học thuộc chuyên môn giảng dạy. Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức lấy ý kiến và có báo cáo kết quả đề xuất lựa chọn danh mục SGK về Sở GD-ĐT theo đúng tiến độ”-thầy Tàu cho hay.
Cô Phan Thị Hồng (ở giữa)-giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) cùng đồng nghiệp nghiên cứu bản mẫu SGK lớp 10 mới. Ảnh: Mộc Trà
Cô Phan Thị Hồng (ở giữa)-giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) cùng đồng nghiệp nghiên cứu bản mẫu SGK lớp 10 mới. Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2022-2023, bậc tiểu học tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3 và dạy học bắt buộc đối với 2 môn Tiếng Anh và Tin học. Cô Hoàng Thị Thu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho biết: Thời điểm này, nhà trường đã lên danh sách 12 giáo viên để dạy cho 5 lớp 3 trong năm học tới, đảm bảo 1,2 giáo viên/lớp. Điểm trường trung tâm và 2 điểm trường lẻ đều được trang bị đầy đủ ti vi từ nguồn xã hội hóa, đảm bảo cho việc dạy và học theo chương trình mới. Nhà trường cũng đã phủ sóng internet cho các điểm trường; riêng điểm trường ở làng Bàng (cách trung tâm 7 km) chưa thể nối sóng, giáo viên sử dụng mạng 4G từ điện thoại để kết nối giảng dạy qua ti vi. Năm 2023, nhà trường sẽ được huyện đầu tư xây dựng 1 dãy phòng học chức năng. Về khâu lựa chọn SGK mới, khi có bản mẫu, nhà trường sẽ chủ động tiếp cận, nghiên cứu và chọn danh mục theo đúng quy định.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 3, 7 và 10 từ năm học 2022-2023, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, bám sát lộ trình đổi mới chương trình, SGK. Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất, sửa chữa và bảo quản để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cho việc dạy học. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, Sở chỉ đạo các phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc có giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường để bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp; xây dựng phương án bồi dưỡng để giáo viên dạy các môn chung, phân môn, đặc biệt là giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh bậc tiểu học và môn nghệ thuật bậc THPT. Ưu tiên bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho giáo viên được phân công dạy lớp 3, 7 và 10 về xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới. Ngoài ra, công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương các lớp này cũng được khẩn trương triển khai, chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2022-2023 theo đúng kế hoạch.
Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã hoàn chỉnh dự kiến phân công giáo viên giảng dạy lớp 3 trong năm học tới, đảm bảo định mức 1,2 giáo viên/lớp. Ảnh: Mộc Trà
Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã hoàn chỉnh dự kiến phân công giáo viên giảng dạy lớp 3 trong năm học tới, đảm bảo định mức 1,2 giáo viên/lớp. Ảnh: Mộc Trà
“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã tổng hợp số lượng học sinh dân tộc thiểu số các lớp 3, 7 và 10 thiếu SGK để tỉnh xem xét phương án hỗ trợ kịp thời trong năm học tới. Cùng với đó, để đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục theo quan điểm “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, Sở cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền danh mục SGK của 3 lớp  sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh; quán triệt việc thực hiện lựa chọn SGK đảm bảo đúng quy trình”-ông Định thông tin thêm.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Năm học 2021-2022, Trường THCS và THPT Kpă Klơng (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) có 688 học sinh/17 lớp. Trong đó, khối 6 có 3 lớp với khoảng 120 em đang học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Song song với việc tập trung hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhà trường cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để có thể tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, SGK mới cho lớp 7 và lớp 10 vào năm học sau. Thầy Nguyễn Ngọc Sơn-Hiệu trưởng nhà trường-phân trần: “Chúng tôi đang rà soát đội ngũ để giảng dạy cho lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang thiếu khá nhiều giáo viên, khó có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới, nếu không sớm được bổ sung biên chế hoặc tiếp tục được hỗ trợ điều động, biệt phái giáo viên về giảng dạy. Mặt khác, dù phòng học đảm bảo nhưng trường chưa có phòng thí nghiệm, các phòng học bộ môn và nhà đa năng. Một số trang-thiết bị dạy học cũng đã xuống cấp. Tất nhiên, trong thời gian chờ sự đầu tư và hỗ trợ, nhà trường vẫn sẽ linh hoạt bố trí phòng bộ môn và tận dụng tối đa các thiết bị dạy học hiện có để triển khai nhiệm vụ chung”.

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT: “Sở đã giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục trong thực hiện chương trình, đảm bảo chất lượng học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới và tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Thời gian đến, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng các bộ SGK lớp 3, 7 và 10 đã được lựa chọn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục nhằm phát huy những mặt tích cực, kịp thời điều chỉnh những mặt hạn chế trong quản lý và dạy học; góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục trong năm học tới”.

Theo yêu cầu của chương trình mới, mỗi cơ sở giáo dục THPT cần ít nhất 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật. Thế nhưng hiện nay, nhiều trường THPT vẫn chưa có giáo viên giảng dạy 2 môn học này. “Đây là môn tự chọn, nhưng nếu học sinh có nhu cầu thì nhà trường vẫn phải đáp ứng. Chúng tôi đã tính đến phương án hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần có chỉ tiêu biên chế đối với đội ngũ này”-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám đề xuất.
Nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên giảng dạy 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên giảng dạy 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, việc thiếu phòng học hoặc phòng không đảm bảo về diện tích, thiếu cơ số máy tính để giảng dạy môn Tin học bắt buộc… cũng là vấn đề nan giải ở nhiều trường tiểu học khi chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Nhà trường dự kiến sử dụng 1 phòng học văn hóa để làm phòng Tin học nhưng chắc chắn sẽ không đảm bảo diện tích theo quy định. Thêm vào đó, số máy tính của trường hiện chỉ có 10 bộ, không thể đáp ứng tiêu chí 3 học sinh/máy trong khi sĩ số mỗi lớp khoảng 48 học sinh”-cô Hoàng Thị Thu nêu khó khăn. 
Với quyết tâm triển khai hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng như: nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; dạy học 2 buổi/ngày bậc tiểu học… Công tác tự bồi dưỡng của cán bộ, giáo viên cũng được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cùng với đó là việc đổi mới công tác quản trị trường học, hình thành văn hóa chất lượng trong từng nhà trường. 
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.