Gói vay trả lương lãi suất 0%: Doanh nghiệp không mặn mà?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn ngân hàng với lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ được triển khai từ cuối tháng 4-2020. Thế nhưng, cho đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ vay vốn nào của doanh nghiệp dù thời hạn khóa sổ giải ngân đang cận kề.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách và biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã triển khai cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động với nhiều ưu đãi như: lãi suất 0%/năm, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, thời hạn vay lên đến 12 tháng. Để được vay vốn, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện như: đang gặp khó khăn về tài chính; không có nợ xấu; có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động; có tên trong danh sách được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Tại Gia Lai, từ cuối tháng 4-2020, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã có nghị quyết chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp; tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để triển khai các chương trình tín dụng chính sách; chuẩn bị tốt các điều kiện cho vay vốn hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động trong 3 tháng. Ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho khách hàng. Việc cho vay sẽ được giải quyết nhanh, kịp thời nhưng phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch”. Cũng theo ông Nghĩa, đây là gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, không phải thế chấp tài sản nên đương nhiên khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo thông tin cập nhật đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh vẫn chưa tiếp nhận được hồ sơ nào đề nghị vay vốn.  
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời cho khách hàng. Ảnh: S.C
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời cho khách hàng. Ảnh: S.C
Với vai trò chủ trì trong thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng vào cuộc, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Đến nay, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ nào từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Điều 98 Bộ luật Lao động”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Phải thừa nhận rằng, một số chính sách của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp địa phương vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Đơn cử như ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc thực hiện chính sách miễn, giảm lãi và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Những chính sách này không chỉ giảm bớt áp lực tài chính mà còn gia tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng về sau cho doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Tuấn, thông qua hoạt động cầu nối thông tin, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã ghi nhận phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp về những “rào cản” trong quy trình thủ tục khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với gói vay hỗ trợ. “Quá nhiều quy định về hồ sơ thủ tục khiến doanh nghiệp nản lòng hoặc cân nhắc kỹ càng trước khi muốn tiếp cận. Ví dụ như để được vay vốn lãi suất 0%, doanh nghiệp phải có báo cáo quyết toán tài chính, chứng minh tình hình tài chính khó khăn, không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng trình cấp huyện, cấp tỉnh thẩm định xét duyệt. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tâm lý doanh nghiệp không mặn mà vay tiền trả lương để thêm gánh nặng nợ nần, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tài chính”-ông Tuấn cho hay.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.