Giữ rừng bằng máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để giữ màu xanh cho rừng, hơn 30 cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai (Kon Tum) phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và có khi là máu.

Nhân viên bảo vệ rừng đi tuần tra. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Nhân viên bảo vệ rừng đi tuần tra. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Trạm không liên lạc được
Chúng tôi đến thăm huyện biên giới Ia H’Drai vào một chiều hè oi bức. Dưới cái nắng gần 40 độ C, nơi đây như một chảo lửa khô khốc. Những cơn gió hầm hập áp vào mặt người bỏng rát. Chuyến đi này chúng tôi ghé thăm Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai, nơi mà chỉ trong vòng 1 tháng, 2 nhân viên bảo vệ rừng liên tiếp bị hành hung.
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai có 40 cán bộ, nhân viên, nhưng chỉ có hơn 30 nhân viên thường trực làm nhiệm vụ bảo vệ hơn 30.000 ha rừng. Công ty có 11 trạm bảo vệ rừng thì trạm gần nhất cách công ty khoảng 6 km. Trạm xa nhất cách công ty 60 km. Do diện tích rừng công ty quản lý giáp ranh 2 huyện ở tỉnh Gia Lai và huyện Sa Thầy (Kon Tum), nên gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.
Đón chúng tôi ở bìa rừng, ông Tống Tấn Lực, Phó giám đốc công ty, chỉ kịp chào rồi leo lên xe máy dẫn khách vào thăm các trạm bảo vệ rừng. Trên đường đi, ông Lực vừa lái xe vừa kể, trước khi về làm phó giám đốc, ông đã có kinh nghiệm hơn 15 năm ngủ rừng. Những ngày đầu về công tác, ông Lực vác ba lô đựng lỉnh kỉnh nào cá khô, thịt hộp, nào gạo, mắm, muối, đường. Hành trình của ông kéo dài hơn 30 km. Lúc bấy giờ trong rừng làm gì có lối mở, ông Lực luồn rừng, cuốc bộ 4 ngày mới đến trạm gác.
Khi đến nơi, trước mắt ông Lực là một chòi lá lụp xụp. Xung quanh là rừng già thâm u. Mỗi trạm như thế có 2 - 3 người túc trực. Mọi người phải tự nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn. Ngày ấy khó khăn đủ đường, trong rừng sâu thì làm gì có ánh điện. Đến cả bóng người cũng còn hiếm thấy.
“Những ngày đầu mình về công tác khó khăn nhiều lắm, thời ấy làm gì có xe máy để đi lại như bây giờ. Muốn đi đâu cũng đều phải cuốc bộ. Đèn điện chẳng có, anh em phải thắp đèn dầu. Có đợt mấy anh em bị sốt rét xin về trước còn có mình ở lại gác”, ông Lực nhớ lại.
Đến nay, dù đã có xe máy để đi lại, điện năng lượng cũng đã được lắp đặt, thế nhưng nhiều trạm gác vẫn còn rất khó khăn. Ông Lực bảo rằng vì nằm sâu trong rừng nên nhiều trạm bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Những nhân viên bảo vệ rừng ở chốt có khi 2 - 3 tháng mới về nhà một lần. Có người cả năm vẫn chưa một lần về quê. Họ dần trở thành những “người rừng” đúng nghĩa khi phải tự trồng rau, nuôi gà, đánh cá suối làm thức ăn trong thời gian gác trạm.
“Chúng mình hay gọi tếu táo mấy trạm ấy là trạm không liên lạc được. Trong ấy hoàn toàn là rừng sâu, không có điện thì làm gì có sóng điện thoại. Để liên lạc với bên ngoài, các anh ấy phải trèo lên đồi cao dò sóng. Thế nhưng sóng lúc có lúc không nên nỗi nhớ nhà cứ liên hồi gián đoạn”, ông Lực tâm sự.
Nhân viên bảo vệ rừng mắc tạm chiếc võng để ngả lưng sau giờ tuần tra. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Nhân viên bảo vệ rừng mắc tạm chiếc võng để ngả lưng sau giờ tuần tra. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Vợ con giận dỗi
Sau hàng chục cây số đường rừng, cuối cùng chúng tôi mới đến được trạm bảo vệ rừng số 1 của công ty. Khi chúng tôi đến cũng là lúc các nhân viên bảo vệ rừng vừa trở về sau chuyến tuần tra. Thấy người lạ, các anh liền mời khách ngồi xuống bên gốc cây cạnh trạm. Anh Nguyễn Văn Hạnh (34 tuổi) rót chén nước trà nguội ngắt ra mời khách. Anh Hạnh có dáng người cao ráo và ánh mắt như luôn mỉm cười. Hơn 5 năm công tác tại trạm, anh cũng đã “nếm” đủ vị rừng. Chỉ tay về phía căn nhà quây tạm bằng mấy tấm tôn, anh Hạnh nói: “Ngồi ngoài này cho mát, chứ vào trong đó nóng như hỏa lò”.
Nhà ở TP.Kon Tum, cách nơi làm việc hơn 120 km, nên một tháng hoặc có khi vài tháng anh Hạnh mới về thăm gia đình một lần. Có những hôm vợ con giận dỗi vì đã lâu chồng không về nhà.
Anh Hạnh tâm sự: “Tớ ở trong rừng 2 - 3 tháng mới về. Khi về đến nơi đứa con hơn 2 tuổi cứ thấy mặt là khóc ré lên chẳng chịu cho bế. Vợ thì giận dỗi bảo rằng tớ cứ đi biền biệt chẳng còn quan tâm đến hai mẹ con ở nhà ra sao. Biết làm sao được, công việc mà. Nhiều lần tâm sự, vợ hiểu được nỗi vất vả của mình nên cũng dần thông cảm”.
Nằm nghỉ mệt trên chiếc võng dã chiến, ông Nguyễn Văn Định (52 tuổi) loay hoay vặn, chỉnh chiếc radio dò sóng. Thế nhưng đáp trả những nỗ lực của ông chỉ là tiếng rè rè, tắc tịt. Nghe câu chuyện của anh Hạnh, ông Định bỏ chiếc đài xuống rồi tếu táo pha trò: “Từ tết đến giờ, tôi cũng có về thăm nhà đâu. Hôm trước gọi điện nói chuyện, bà vợ bảo quần áo đã gấp sẵn, là ủi hẳn hoi rồi. Chỉ chờ tôi về lấy quần áo nữa là gút bai (goodbye)”.
Anh Thành phải nhập viện cấp cứu sau khi đối đầu lâm tặc. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Anh Thành phải nhập viện cấp cứu sau khi đối đầu lâm tặc. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Mọi người nghe đến đây thì đều phá lên cười. Vậy mà trong mắt ông Định lại có một chút gì đó thâm trầm, buồn bã. Dù đã lớn tuổi nhưng ông Định trông vẫn còn khỏe khoắn lắm. Ông bảo rằng sau hơn 25 năm công tác tại đây, mỗi ngày đi bộ khoảng 20 cây số, nên gân cốt của ông trở nên dẻo dai hẳn.
Đều đặn mỗi ngày, ông cùng mọi người ở trạm thức dậy từ rất sớm để nấu cơm rồi đi tuần tra khắp rừng. Với hành trang là chai nước, gói mì tôm, có khi là túi lương khô, cả trạm rong ruổi đi khắp ngõ ngách trong rừng.
“Có những hôm phải đi tuần tra xa, băng qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, mọi người phải giăng võng, ngủ lại trong rừng. Đi tuần tra khổ nhất là vào mùa mưa, từng đàn muỗi đông đến hàng nghìn con bu lấy người mà hút máu. Anh em ở đây sốt rét suốt ấy mà, lâu dần cũng thành quen”, ông Định nói.
Đối đầu lâm tặc
Mặc dù giữ rừng ở nơi thâm sơn cùng cốc là vậy nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với những nhân viên bảo vệ ở đây lại đến từ con người. Từ đầu năm đến nay, 2 nhân viên của công ty liên tiếp bị lâm tặc hành hung.
Anh Nguyễn Quang Đỗ (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) mới về làm việc tại công ty hơn 2 năm nay. Anh là nạn nhân mới nhất bị lâm tặc hành hung. Hiện tại sức khỏe anh đã ổn định nhưng những vết nứt trên xương vẫn còn đau buốt. Nhắc đến cái đêm đối đầu lâm tặc, anh Đỗ bàng hoàng nhớ lại. Tối 8.4, anh lên đường tuần tra khu vực rừng mình quản lý. Khi đến lô cao su gần bìa rừng, anh Đỗ gặp Đinh Văn Tuấn (ngụ làng Típ, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai). Thấy anh Đỗ, Tuấn ngỏ ý xin cho đem xe độ chế vào khai thác gỗ. Thế nhưng, anh không chịu và tiếp tục đi tuần tra.
Đến khuya hôm đó, sau khi tuần tra xong, anh Đỗ về đoạn suối Ia Blok mắc võng đi ngủ. Chỉ sau ít phút, nghe tiếng bước chân đến gần, anh liền bật dậy thì thấy Tuấn tay cầm dao đứng trước mặt. Lúc này Tuấn liền đe dọa: “Lần này là lần đầu, tao chém mày cho biết mặt nha Đỗ”. Vừa dứt lời, Tuấn liền lao vào chém anh Đỗ trọng thương.
“Tuấn lao vào chém xối xả, tôi chỉ biết giơ tay chân lên đỡ. Sau khi chém mấy nhát vào người tôi, Tuấn mới bỏ đi. Cũng may lúc đó có mấy công nhân cạo mủ cao su nghe thấy tiếng kêu cứu rồi đưa tôi đi viện cấp cứu”, anh Đỗ nhớ lại. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Đỗ ở quê gọi điện hỏi thăm và khuyên nhủ anh đừng theo nghề rừng nữa. Thế nhưng anh vẫn nhất quyết sau khi bình phục sẽ trở về công tác. Với anh màu xanh của rừng như có một sức quyến rũ thần bí cuốn hút anh phải theo đuổi và bảo vệ.
Cũng là một nạn nhân của lâm tặc, anh Phan Văn Thành (24 tuổi) tâm sự, anh quê ở Lai Châu. Vài năm trước, anh vào Kon Tum làm nhân viên tại công ty. Trên những hành trình tuần tra trong rừng, anh Thành đã không ít lần chạm mặt lâm tặc và khiến chúng không thể phá rừng. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến anh bị một nhóm côn đồ hành hung.
Chiều muộn ngày 13.3, trên đường từ trạm gác cửa rừng trở về nhà, khi chỉ còn cách nhà khoảng 300 m, anh bất ngờ bị một nhóm 10 người đi trên 2 ô tô chặn đường. Thấy anh Thành, nhóm côn đồ lao vào dùng dao đánh chém. Mãi đến khi anh Thành gục xuống, chúng mới bỏ đi.
“Tôi bị nhiều vết chém ở tai, cánh tay trái và chân phải rồi ngất đi. Đến gần nửa đêm, có người hàng xóm đi ngang qua mới phát hiện tôi nằm gục bên đường rồi đưa đi cấp cứu. Nếu đêm ấy không có người phát hiện chắc tôi đã nằm lại rừng rồi. Bây giờ chỗ các vết thương cũng đã lành miệng thế nhưng mỗi lúc trở gió thì vẫn còn đau nhức lắm”, anh Thành kể lại.
Ông Tống Tấn Lực cho biết các đối tượng lâm tặc trên địa bàn rất liều lĩnh và hung hãn. Có lần, khi phát hiện xe của lực lượng bảo vệ rừng, lâm tặc đã cắt lốp xe không cho di chuyển. Nhiều cán bộ, nhân viên còn bị nhắn tin, gọi điện đe dọa.
“Có lần khi phát hiện các nhân viên của công ty đang đi tuần tra, nhiều thanh niên cũng giắt dao đi theo sau. Các nhân viên liền gọi điện thoại trình báo cơ quan chức năng nhưng hành vi của họ chưa gây ảnh hưởng gì nên không xử lý được”, ông Lực nói.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.