Giữ ngọn nguồn Bh'nong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâu nay người Bh’nong ở Phước Sơn được xếp vào một nhánh của người Giẻ Triêng, nên tập tục lễ nghi đều coi như một. Nay sau chữ viết, huyện lập đề án khảo sát bản sắc riêng của người Bh’nong để bảo tồn, phát huy. Đó là cả câu chuyện dài, mà vai trò của người trẻ Bh’nong còn là ẩn số…

Văn hóa Bh’nong với nhiều nét đặc trưng đang dần mai một. Các lễ hội tái hiện được chắp vá từ những tầng ký ức của già làng. Ảnh: N.D
Văn hóa Bh’nong với nhiều nét đặc trưng đang dần mai một. Các lễ hội tái hiện được chắp vá từ những tầng ký ức của già làng. Ảnh: N.D
Chuyện riêng, chung
Trong 2 năm huyện Phước Sơn tổ chức lễ hội tết mùa của đồng bào người Bh’nong, tôi đều tham dự, lang thang để thưởng thức những món ăn, chiêm ngưỡng những lễ hội độc đáo được tái hiện một cách sinh động.
Ghé chỗ già Hồ Văn Ly (74 tuổi, xã Phước Mỹ), thấy ông đang loay hoay chỉnh sửa mấy nhạc cụ đã phủ màu vàng úa. Già Ly miệt mài kể về phong tục xưa cũ, về men rượu cần được nấu từ hạt Ta-dhao nồng đậm ra sao, cây đàn Teng-neng đặc biệt thế nào…
“Vậy đặc trưng văn hóa của người Bh’nong mình là gì?” - tôi hỏi - “thứ dễ nhận thấy nhất, như trang phục hay lễ nghi, mà người ta ngó vào là biết ngay người Bh’nong không?”. Hàng chân mày già Ly nhíu lại chừng đâu chục giây, rồi lắc đầu.
“Về cơ bản, mình cũng là một nhánh của tộc người Giẻ Triêng, nên các phần lễ nghi, lễ hội hầu như đều từ tựa nhau. Nhưng để có một cái gì làm nổi bật riêng của người Bh’nong thì khó. Phần vì nó đã mai một đi rồi, không ai nhớ.
Thêm nữa, lâu lắm rồi cả làng mới lại được sống trong bầu không khí lễ hội, tái hiện cái được cái mất thì làm sao người ta có thể biết tới văn hóa đặc trưng nào của người Bh’nong” - già Ly thở dài.
Trong những gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của từng vùng thuộc Phước Sơn, nhiều thanh niên khoác lên mình bộ áo quần được dệt bằng thổ cẩm. Nhưng, hỏi họ về những lễ hội họ vừa góp phần tái hiện thì hầu hết chỉ lắc đầu.
“Mình chỉ làm theo già làng thôi chứ không hiểu lắm. Ngay cả lời nói, lời hát ở trong phần lễ, mình cũng chỉ lõm bõm hiểu được một chút” - Hồ Văn Dênh (xã Phước Công) cười trừ.
 
Một tộc người có hệ ngôn ngữ và bộ chữ viết riêng của họ, nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Đó cũng chính là vấn đề mà ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng Văn hóa huyện Phước Sơn lo lắng.
“Có hệ ngôn ngữ và chữ viết riêng nhưng hiện tại, nhiều tiếng mẹ đẻ đã bị mất, thế vào đó là những từ “vay mượn” đã dần trở nên thông dụng hơn. Ngay cả trong cộng đồng người Bh’nong, việc giao tiếp hàng ngày, tiếng mẹ đẻ vẫn bị pha tạp đi nhiều” - ông Thọ lắc đầu.
Người Bh’nong cũng có rất nhiều lễ hội như: tết mùa, cầu mưa, tết máng nước, lễ tạ thần rừng… nhưng cho đến hiện tại, những già làng còn nhớ rõ nét văn hóa này còn rất ít, lại chắp vá. Vì vậy, khi tiến hành thu thập tư liệu về những tập tục này, phải hỏi rất nhiều già làng, ghép nối những phần này lại với nhau mới ra được một lễ nghi cho có đầu có cuối.
“Ngày xưa, một người Bh’nong giàu hay nghèo được đánh giá qua bộ chiêng treo trong nhà. Người ở dưới xuôi, có tiền thì gửi ngân hàng, làm sổ tiết kiệm, còn đối với người Bh’nong là sắm những chiếc chiêng, đó cũng như là của để dành.
Nhưng đến nay, những bộ chiêng đó đã không còn nữa. Hầu hết đều được bán đồng nát cho người dưới xuôi. Khi chúng tôi tiến hành sưu tầm thì chẳng thể tìm được bộ chiêng gốc. Thậm chí bỏ ra mấy trăm triệu đồng cũng không có mà mua” - ông Thọ trầm giọng.
Giữ hồn Bh’nong
Để gìn giữ được nét văn hóa của một tộc người không phải là chuyện dễ, lại càng khó khi nhiều thứ đã mai một. “Khó là điều tất yếu. Nhưng không thể bỏ, nên hiện tại, chúng tôi tập trung vào điểm cốt yếu nhất là tiếng nói và chữ viết.
Bộ chữ viết của người Bh’nong đã được công nhận và thời gian sắp tới sẽ tiến hành lồng ghép vào các chương trình dạy học cho học sinh trên địa bàn. Cán bộ của địa phương cũng sẽ học tiếng nói và chữ viết này.
Muốn bảo tồn được văn hóa, thì đầu tiên phải giữ được hồn cốt của nó. Người bảo tồn, phải hiểu được cộng đồng tộc người đó như thế nào thì mới có thể làm tốt” - ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói.

Việc bảo tồn văn hóa được huyện Phước Sơn tiến hành từ hộ gia đình cho đến từng bản làng. Ảnh: N.D
Việc bảo tồn văn hóa được huyện Phước Sơn tiến hành từ hộ gia đình cho đến từng bản làng. Ảnh: N.D
Với đề án bảo tồn văn hóa đã được thông qua, những tập tục, lễ hội, nét văn hóa người Bh’nong đang dần được lưu giữ và tái hiện. “Nói cho đúng, việc tìm kiếm đặc sắc văn hóa Bh’nong hiện vẫn thông qua những tầng ký ức được chắp vá từ các già làng. Vậy nên, sẽ không toàn vẹn là điều hiển nhiên. Nhưng huyện vẫn cố từng chút một để chọn lọc, đó mới là chuyện quan trọng” - ông Nguyễn Thế Thọ giãi bày.
Theo ông Thọ, trước đây người ta biết đến người Bh’nong chỉ qua những hủ tục như: sinh con ở bìa rừng, mẹ chết, chôn con theo mẹ… Ngay cả bản thân ông, đã từng đánh cược với cả làng để cứu về một đứa trẻ đang bị làng đòi chôn sống theo người mẹ bị chết khi sinh nở.
“Tập tục luôn đi liền với hủ tục nên phải biết chọn lọc. Trước đây, tại sao người ta nên vợ nên chồng thì sống bền chặt, con đàn cháu đống với nhau, còn giờ thì thích về sống với nhau vài ba bữa, không thích nữa thì ký ngay vào tờ giấy ly hôn là xong? Là bởi, những tập tục ngày đó rất nghiêm khắc với chuyện này.
Vợ chồng, nếu ly hôn sẽ bị phạt rất nặng. Phạt tới mấy con trâu. Ai sai thì người đó phải nộp phạt. Nếu không có của thì buộc phải đi mượn để nộp rồi sau đó làm để trả nợ dần. Từ đó, sự ràng buộc rất lớn, không ai dám bỏ nhau cả, vì… tốn kém quá” - ông Thọ cười, kể lại.
 
Nhưng bảo tồn văn hóa, là câu chuyện dài hơi và rất rộng. Không thể chỉ làm đề án, hô khẩu hiệu, dựng vài cái nhà làng, tái hiện mấy lễ hội là đã bảo tồn. Rất nhiều nơi, đã thất bại trong công việc này, liệu Phước Sơn có khác? Tôi đặt câu hỏi về đề án này với ông Xoan – Phó Chủ tịch UBND huyện.
“Việc vừa bảo tồn vừa phát huy có chọn lọc những nét văn hóa đặc trưng của người Bh’nong là điều hết sức khó khăn. Chúng tôi đang tiến hành thực hiện theo cách bám vào thực tiễn: bảo tồn từ trong từng gia đình, trong bản làng. Ai có thể gìn giữ văn hóa người Bh’nong ngoài chính bản thân họ? Mình, chỉ là người góp tiếng nói, kinh phí. Còn họ, mới là hồn cốt trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa của chính họ” - ông Xoan nói.
Có một điều không thể tách rời, đó chính là kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. “Có thực mới vực được đạo”, gắn quyền lợi kinh tế với việc bảo tồn văn hóa thì người dân mới có thêm động lực. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương thất bại trong chuyện này.
Tây Giang, làm rất tốt câu chuyện bảo tồn văn hóa người Cơ Tu, nhưng khu du lịch truyền thống được đầu tư bài bản ở đây giờ không có bóng người. Không phải Tây Giang làm không tốt, mà là điều kiện theo kèm còn quá thiếu. Hệ thống đường sá, tour du lịch mở ra không nhiều, thiếu khách thì dĩ nhiên không thể duy trì.
“Giờ, Phước Sơn mới bắt tay vào làm. Và những bài học từ các nơi khác sẽ là tiền đề để chúng tôi rút kinh nghiệm. Lợi thế của Phước Sơn chính là đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua địa bàn, giao thông thuận lợi. Việc còn lại là phải kết nối, thiết lập được với các công ty lữ hành để tiến hành những tour du lịch trải nghiệm. Khi đó, bảo tồn văn hóa mới có thể gọi là toàn diện” - ông Xoan nói.
Đề án mới chỉ bắt đầu. Khó khăn, hiển nhiên có, thậm chí rất nhiều. Nhưng, ẩn số - điều trăn trở của những người làm văn hóa ở Phước Sơn, là lớp trẻ Bh’nong. Lớp trẻ bây giờ, khoác lên mình trang phục truyền thống là ngại, không thích bằng những bộ đồ thời trang.
“Người già, rồi cũng sẽ chết đi. Nếu lớp trẻ không tiếp cận, gìn giữ thì là ai? Bảo tồn văn hóa, nói cho cùng là cho người sau. Phải làm thế nào, để nét đẹp truyền thống người Bh’nong sẽ như men rượu cần từ hạt Ta-dhao, luôn nồng đượm, lan tỏa khắp núi rừng” - già Vũ Văn Xuân (72 tuổi, xã Phước Đức) nheo mắt xa xăm…
Theo NGUYỄN DƯƠNG (Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.