Gìn giữ lễ hội để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ hội Tây Nguyên không chỉ là sự kiện mang tính cộng đồng mà là “kho báu” cho du lịch. Đánh giá đúng thực trạng lễ hội trong các buôn làng để có giải pháp khai thác phát triển du lịch là vấn đề cần được tính đến.

1. Lễ pơ thi vừa được người dân làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tổ chức giữa tháng 2 mở đầu mùa ning nơng ở ngôi làng Jrai trên cung đường du lịch phía Tây tỉnh. Một số đoàn khách quốc tế đã đến đây trải nghiệm không gian lễ hội đặc sắc nhất trong năm của người Jrai vùng này. Qua lễ pơ thi, du khách đã phần nào cảm nhận được màu sắc huyền ảo Tây Nguyên.

Có lẽ trong các lễ hội, pơ thi là nơi các giá trị văn hóa, nghệ thuật biểu hiện một cách tập trung, rực rỡ và sôi động nhất. Đó không chỉ là nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng gỗ mà còn nhiều phong tục, tập quán, ẩm thực truyền thống...

Nhiều năm qua, cộng đồng Jrai làng Kép 2 chưa một lần lỗi hẹn cùng mùa xuân Tây Nguyên. Năm nào ở đây cũng có những lễ pơ thi quy mô tại khu nhà mồ lâu năm nép mình dưới tán cổ thụ. Pơ thi ở đây mê hoặc những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên bởi đúng nghĩa là lễ hội truyền thống, diễn ra một cách tự nhiên trong không gian làng-rừng. Một lễ hội được nuôi dưỡng trong mạch nguồn sự sống cư dân địa phương trong suốt chiều dài lịch sử nên đầy sức sống và màu sắc.

1-9299.jpg
Sức sống từ lễ hội ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) khiến ngôi làng này trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ảnh: M.C

Việc duy trì thường xuyên lễ hội cũng khiến khu nhà mồ làng Kép 2 trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa cho khách du lịch. Nơi đó là thế giới kiến trúc nhà mồ, tượng gỗ muôn sắc thái. Là “rừng ma” với những bóng cổ thụ vững chãi trùm che cả một khu nhà mồ rộng lớn bên cạnh cánh đồng.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, đối với các tộc người Tây Nguyên, có 2 loại rừng thiêng, 1 là rừng đầu nguồn, 2 là rừng nơi khu nhà mồ. Rừng đầu nguồn không được chặt cây làm nhà hay phát cây làm rẫy, bởi có thể sẽ gây nên động rừng. Rừng ở nhà mồ không phải ai cũng tự tiện ra vào. Cây cối trong khu vực này tuyệt đối không ai được chặt phá. Chính vì vậy, khu nhà mồ xưa của các buôn làng thường có rất nhiều chứng nhân cổ thụ rợp bóng có khi đã vài trăm tuổi. Cứ nhìn vào “rừng ma” rợp bóng cổ thụ ở nhà mồ làng Kép 2, chúng ta cũng có thể hiểu được sức sống của những mùa lễ hội diễn ra dưới bóng thời gian.

Nhờ giữ được lễ hội truyền thống mà trước khi được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, làng Kép 2 đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên cung đường du lịch phía Tây tỉnh, đặc biệt là tuyến kết nối 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên: Gia Lai và Kon Tum.

Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Lê Hoàng Anh-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Gia Lai-cho biết: “Tôi đưa nhiều đoàn khách Tây đến đây vào mùa lễ hội và họ rất thích. Ngay cả khi không có lễ hội thì khu nhà mồ vẫn thu hút họ vì nhiều giá trị văn hóa để giới thiệu cho du khách như tượng mồ, nhà mồ, chiêng, ché và đồ dùng cá nhân “chia của” cho người chết”.

Làm hướng dẫn viên lâu năm, chị Hoàng Anh cũng cho rằng, chỉ ở những khu nhà mồ có sức nóng của lễ hội mới đọng lại những giá trị, mới có những câu chuyện để kể cho du khách.

2-4023.jpg
Người thân quây quần uống rượu quanh khu nhà mồ để nói lời tạm biệt lần cuối cùng với người chết. Ảnh: M.C

2. Trong khi nhiều ngôi làng còn gìn giữ các lễ hội thì không ít nơi đã đánh mất trong quá trình phát triển. Đó là sự mâu thuẫn vì càng phát triển con người càng nhận ra giá trị đích thực của văn hóa để tìm về. Như câu chuyện của làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang.

Già làng Hyek kể: “Trước đây, khi đang làm ngoài đồng mà nghe tiếng sấm sét thì người dân thường chạy về giết heo cúng. Hay như đi rẫy gặp chuyện không vui, cũng về cúng. Gặp chuyện khó hiểu hay thấy hiện tượng bất thường, người ta cũng giết heo, bò cúng nên nhiều nhà nghèo mãi, không thể phát triển kinh tế được. Khi Nhà nước vận động xóa bỏ hủ tục, thực hiện tiết kiệm trong tổ chức lễ hội thì người dân lại xóa bỏ hết, không giữ lại gì, kể cả những lễ hội truyền thống”. Trên thực tế, nhiều lễ hội, phong tục vùng dân tộc thiểu số cũng bị mai một còn vì ảnh hưởng của một số tôn giáo.

Ngôi làng với định hướng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng như Đê Kjiêng sẽ không thể trở thành sản phẩm đủ sức hấp dẫn du khách nếu thiếu vắng lễ hội truyền thống, thiếu vắng bản sắc văn hóa.

“Gần đây, trong những lần họp làng, mình cùng hội đồng già làng vận động bà con khôi phục một số lễ hội như: pơ thi, ăn lúa mới, xuống giống mới. Đây là những lễ hội mang phong tục đẹp, gắn liền với cuộc sống tinh thần và văn hóa canh tác nương rẫy, không khôi phục, gìn giữ sẽ mất đi vĩnh viễn”-già làng Hyek cho biết.

Một số làng Jrai, Bahnar nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phục dựng lễ hội sau thời gian mai một. Có những ngôi làng được đầu tư nguồn lực lớn cho phục dựng lễ hội. Nhưng đây chỉ là điều kiện cần khôi phục lại cái đã mất, quan trọng hơn khuyến khích người dân duy trì lễ hội, hiểu đúng giá trị của văn hóa truyền thống và tiếp tục nối dài mạch nguồn di sản trong quá trình phát triển. Chỉ khi các lễ hội truyền thống trở thành một phần máu thịt, mang hơi thở và màu sắc cuộc sống riêng của từng cộng đồng, lễ hội mới có sức sống lâu bền, đủ sức thu hút khách du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.