Giáo viên mầm non: Tạm dừng đến trường, không dừng dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể đón học sinh tới lớp. Tuy nhiên, các giáo viên mầm non vẫn thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng dạy học”.
Thời gian qua, Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp trẻ học tập, vui chơi tại nhà. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, các giáo viên đã xây dựng những video dạy học kết hợp với việc đến tận nhà phát tài liệu hướng dẫn phụ huynh giáo dục, chăm sóc trẻ trong thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch. Tuy nhiên, thời điểm vào mùa gặt lúa, đa phần cha mẹ học sinh đều đưa con lên rẫy khiến công tác hỗ trợ của nhà trường gặp không ít khó khăn. “Để việc học của trẻ không bị gián đoạn, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên cùng phụ huynh gặt lúa và dạy trẻ trải nghiệm thực tế trên rẫy. Hoạt động này diễn ra từ ngày 10 đến 25-11, đã nhận được sự đồng thuận và tham gia nhiệt tình của giáo viên trong trường”-Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Ánh Ngọc cho hay.
Qua 2 tuần triển khai hoạt động xã hội này, Trường Mẫu giáo Đê Ar đã tổ chức được hơn 10 nhóm học cho trẻ 5 tuổi gắn với trải nghiệm thực tế tại chỗ và 8 lượt giúp phụ huynh gặt lúa. Cô giáo Nguyễn Đoàn Xuân Tú Anh chia sẻ: Ngoài đồ dùng chuẩn bị trước, tôi còn sử dụng các học liệu tự nhiên, sẵn có ở rẫy như lúa, lá chuối, lá mít, đu đủ… để giúp trẻ trải nghiệm. Tôi cho các bé quan sát tranh ảnh về những con vật trong rừng rồi đọc tên để phát triển vốn từ tiếng Việt; hướng dẫn trẻ làm đồng hồ, vòng đeo tay, kèn từ lá chuối; làm con trâu từ lá mít… Không những thế, từ cảnh quan thực tế (suối, thác, khe đá, bờ ruộng), tôi còn dạy các em một số kỹ năng sống liên quan đến phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Dù khá vất vả nhưng nhìn các con thích thú học và trải nghiệm tại chính nương rẫy của mình, chúng tôi rất vui.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) dạy học cho trẻ tại nương rẫy. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) dạy học cho trẻ tại nương rẫy. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều phụ huynh cũng không giấu được niềm vui trước sự nhiệt tình của giáo viên. Chị Phăch (làng Ar Bơ Tôk) phấn khởi bày tỏ: “Khi thấy cô giáo đến tận rẫy để dạy con học và giúp thu hoạch lúa, mình rất bất ngờ và cảm động. Cô còn trao đổi về cách nuôi dạy con theo khoa học; thông tin tình hình dịch Covid-19 và hướng dẫn gia đình cách phòng-chống dịch. Qua những việc làm này, phụ huynh càng thêm tin tưởng vào nhà trường và giáo viên”.
Tháng 10 vừa qua, sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, người dân Gia Lai lần lượt trở về quê nhà. Nhiều khu cách ly tập trung được kích hoạt để đảm bảo an toàn cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Trước tình hình đó, không ít giáo viên mầm non đã linh hoạt sắp xếp công việc, tích cực chung tay hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chăm lo cho người đang thực hiện cách ly. Ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê-thông tin: Thời điểm đó, toàn huyện có 7 khu cách ly với số lượng công dân khá đông. Trong khi lực lượng của cơ quan quân sự địa phương khá ít, khó có thể đảm bảo chu toàn. Sau khi Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện phát động, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi, động viên các cơ sở giáo dục tham gia hỗ trợ công tác phòng-chống dịch bệnh. Tuy nhiên, giáo viên bậc tiểu học và THCS hầu như không có nhiều thời gian vì phải dạy trực tuyến theo thời khóa biểu; riêng giáo viên các trường mầm non đã chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, luân phiên cùng lực lượng bộ đội và phụ nữ các xã, thị trấn nấu ăn phục vụ cho những khu cách ly trong suốt hơn 1 tháng. 
3- Giáo viên mầm non ở huyện Chư Sê chung tay hỗ trợ nấu ăn cho các khu cách ly trên địa bàn. Ảnh: Mộc Trà.
Giáo viên mầm non ở huyện Chư Sê chung tay hỗ trợ nấu ăn cho các khu cách ly trên địa bàn. Ảnh: Mộc Trà
Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (xã Hbông, huyện Chư Sê) là một trong những đơn vị tham gia tích cực vào hoạt động ý nghĩa này. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền, thời gian đầu, nhà trường tổ chức cho giáo viên hỗ trợ chùa Phước Viên nấu ăn cho khu cách ly Trường THPT Trần Cao Vân trong 1 tuần, mỗi ngày 380 suất. Sau đó, các cô tiếp tục hỗ trợ nấu ăn cho 3 khu cách ly tại các trường: Tiểu học và THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Chư Pơng), THCS Dân tộc Nội trú huyện và THPT Trường Chinh với khoảng 500 suất/ngày. “Hoạt động này đã được đông đảo giáo viên nhiệt tình hưởng ứng. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nhiều cô còn tham gia xuyên suốt cả tuần. Chúng tôi rất vui vì làm được những việc có ích, góp phần cùng địa phương chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Điều này cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái và ý thức trách nhiệm với cộng đồng của đội ngũ cán bộ, giáo viên”-cô Huyền khẳng định.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.