Đó là làng Lệ Bắc - ngôi làng lạc loài, nằm nép bên mé ngã ba sông Thu Bồn nơi tiếp giáp giữa ba huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và Điện Bàn.
Lệ Bắc nằm cách biệt giữa sông, mơ một cây cầu. Ảnh:HT |
Giấc mơ chung
Tôi và chúng bạn đã từng chạy như trối chết để kịp thoát dòng nước lũ từ thượng nguồn đang ầm ào đổ về. Nếu không nhanh chân thì coi như đêm ấy sẽ vất vưởng, tá túc nhà người quen bên này đường cái (tức tỉnh lộ 610 bây giờ), còn nếu như may mắn, băng qua dòng nước thì coi như được về nhà.
Tất nhiên mấy ngày sau đó là được nghỉ học, bởi nước lũ tràn xuống thì ngôi làng Lệ Bắc coi như thành ốc đảo, muốn đi học thì mỗi cách qua đò, mà học sinh thời ấy thì lấy tiền ở đâu, khi lon gạo, thìa mắm trong nhà còn thiếu trước hụt sau.
Có một thời hợp tác xã vận dụng bằng cách trả công bằng lúa cho người đưa đò để chở cán bộ và đám học sinh, nhưng năm duyệt, năm thôi thành ra mùa mưa xem như cả làng bó giò nhìn con nước mà ngao ngán. Có chuyện thúc bách lắm thì mới sang, nhìn con đò như chiếc lá tre, mong manh giữa dòng nước hung tợn rộng non cây số ai cũng ngán.
Dân Lệ Bắc muốn ra khỏi làng phải đi đò. Ảnh: H.T |
Mỗi mùa mưa lũ cái ngôi làng nhỏ bé ấy nằm bập bênh giữa túi nước khổng lồ, biệt lập với tất cả. Tôi lục lọi trong mớ tin nhắn giữa hai chú cháu, tòi ra một con số mà đau đớn: Hơn chục người đã bỏ mạng đầy tức tưởi.
Già có, trẻ có, phụ nữ có, kể cả thanh niên cũng không thoát, họ đã bỏ làng mà đi, đi mãi sau những cú trượt chân, sẩy bước… Chuyện chết vì lật ghe, trôi đò thì chưa hề xảy ra với làng tôi, bởi ai cũng cẩn thận, nhưng chết vì nước lưng chừng, không cạn mà chẳng sâu thì con số nếu đếm đủ không thể không rùng mình.
Năm ngoái, cũng dịp đầu năm như thế này, tôi và thằng Bảo Thành chát chít qua lại với nhau sau khi đón tin vui rằng: “Cầu sắp khởi công”. Răng mà không vui khi một sáng tháng hai năm ngoái, lãnh đạo tỉnh cùng đoàn cán bộ các ngành về khảo sát làm cầu cho dân Lệ Bắc…
Các bức ảnh truyền nhau trên facebook với niềm hân hoan khó tả. Và một năm sau, khi nhìn những văn bản chính thức được phát đi từ các cơ quan chức năng Quảng Nam về đầu tư xây dựng cầu Lệ Bắc tại xã Duy Châu thì ai nấy mới thực sự tin. Bởi chuyện tính xây cầu đã từng nâng lên đặt xuống trên bàn nghị sự các cấp chính quyền Quảng Nam từ cả chục năm nay, nhưng vì nhiều lý do khách quan mà thất hẹn.
Đầy háo hức, tôi đánh liều gọi Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, anh Phan Xuân Cảnh nói như đinh đóng cột: “Cú ni chắc rồi nghe! Tỉnh đã có văn bản đồng ý bố trí vốn. Dân làng anh có thể yên tâm”.
UBND huyện Duy Xuyên đề nghị điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, theo đó chính quyền đề nghị HĐND huyện thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu Lệ Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 93 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm, từ 2024 - 2027.
Đến đây có lẽ mọi người đã hiểu vì sao tôi lại nói đó là giấc mơ của làng! Và hôm nay, khi ngồi gõ những dòng chữ này tôi tin đây là lần cuối hai chữ giấc mơ sẽ tan biến khi những ngày đầu năm 2024 nhiều thông tin về dự án cầu Lệ Bắc được khởi động trở lại và chiếc cầu trong mơ này sẽ thành hiện thực.
Thử hỏi làm sao mà không vui cho được, khi mà gần 300 hộ dân với gần 1.200 khẩu sẽ có cơ hội chia tay với những tháng ngày vui ít mà buồn nhiều.
Nói chuyện tương lai
Tôi vào trang cộng đồng “Lệ Bắc Thôn – mãi mãi tình yêu”, bình thường vài người viết tút vu vơ, người còm cũng thảng hoặc, thì tự dưng mấy ngày nay nhộn nhịp hẳn lên. Tài khoản Tô Thị Lý thả câu bông phèng: “Thấy cái dấu tròn tròn, đỏ chót là tin rồi, là ok rồi mọi người hỉ!”. Tú Thanh Trương thì dí dỏm: “Hứa khi mô có cầu thì em mới có chồng… chắc sợ em ế nên mấy bác thương tình…”.
Cả làng mừng! Thằng Tú cháu nội bà Năng, nhà chếch phía trước nhà tôi trong quê - từ TP. Hồ Chí Minh gọi về vẻ hân hoan lắm, bởi giờ nó đã thật sự yên tâm mà kết thúc cái việc từng đeo đuổi mấy năm nay, ấy là quyên góp tiền từ đồng hương để đóng cái thuyền máy cho cả làng dùng chung. Lần này nó gọi là xin số tài khoản để hoàn lại món tiền cho mọi người đã nhiệt tâm đóng góp vì chắc mẩm đã có cây cầu.
Hàng nghìn trạng thái như vỡ òa không khác gì một cuộc đổi đời. Không biết ai sẽ dự định gì khi làng có cây cầu, nhưng em trai tôi thì thủng thẳng: “Mùa mưa sẽ đỡ phải lo khi chuyện học hành bọn nhỏ không còn bữa đực bữa cái”. Vợ nó thì tỏ ra cơm áo gạo tiền hơn: “Làm công nhân thì ăn vào ngày công, có cầu thì đồng lương cũng thôi trồi sụt”.
Mỗi lần tôi về quê, hễ ra thăm đồng, gặp bà con chòm xóm, trong bao câu chuyện của nhà nông thì gói gọn lại không mong gì hơn ký ớt, tạ bắp… được bán đúng giá mà không sợ bị tư thương chèn ép. Ước mơ chẳng hề cầu kỳ, mà gắn liền với mồ hôi, công sức của người nhà quê. Thế mới biết từ bao đời nay chuyện cách trở đò giang đã khiến người Lệ Bắc thiệt thòi rất nhiều, nếu không muốn nói là “tụt hậu” so với những làng xung quanh.
Lệ Bắc có khoảng 180ha đất sản xuất. Con số này có lẽ chỉ còn khoảng một nửa so với 20 năm trước. Nạn xói lở đã khiến một nửa làng phía thượng nguồn biến mất. Những năm gần đây cả làng đã cầm cự bằng nhiều cách, nhờ các công trình kè do Nhà nước đầu tư, người dân góp công góp sức trồng bói, trồng tre, nhờ vậy mà vùng đất bồi màu mỡ này là một trong những vùng chuyên canh nông sản lớn nhất huyện Duy Xuyên.
Nguyên trưởng thôn Hồ Xuân Tám thì mừng ra mặt, ông cho biết, thu nhập bình quân đầu người trong làng cỡ 60 triệu đồng/năm, mai mốt có cầu thì những lợi thế cánh đồng mẫu nhờ sớm thủy lợi hóa đất màu càng phát huy hơn nữa. Vụ đông xuân năm nay bà con đã tính ngay đến chuyện làm ăn bài bản hơn, không khí ra đồng rất hồ hởi, làng trên xóm dưới hy vọng, nếu giao thông thông suốt thì thu nhập cũng được nâng lên kha khá.
Nhiều thế hệ cắm dùi trên mảnh đất này đã đặt cược vào một giấc mơ, mà giấc mơ ấy nào có xa xỉ, vời vợi gì cho cam, đơn giản chỉ là sự bình an cho mọi nhà…