Nỗi lo còn đó
Sau thời gian học tập tại trường, hiện nay, hàng ngàn trẻ em trên địa bàn tỉnh đã bước vào kỳ nghỉ hè sôi động. Trẻ nghỉ hè nhưng hầu hết các bậc phụ huynh vẫn đi làm, dẫn đến việc quản lý con em có lúc chưa sát sao. Bên cạnh đó, với bản tính hiếu động, thích tìm tòi, khám phá nên nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thương tích ở trẻ luôn tiềm ẩn.
Mới đây, cháu Vũ Thị Mỹ Tâm (7 tuổi, trú tại thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) nhập viện tại Bệnh viện Nhi tỉnh trong tình trạng bỏng độ 1, 2, 3 rải rác toàn thân, diện tích 30% cơ thể do bị phóng điện cao thế. Lúc mới vào viện, tình trạng cháu Tâm rất nặng, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Qua sự chăm sóc của các y-bác sĩ, Tâm đã qua giai đoạn nguy hiểm và được chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương tiếp tục chăm sóc, điều trị.
Anh Vũ Quang Đoàn (cha cháu Tâm) buồn bã kể: “Hôm đó, tôi đi làm còn cháu Tâm được nghỉ học nên đi chơi với bạn. Trong lúc chơi thì chiếc quay phát sáng của Tâm bị bắn lên mái nhà. Lúc trèo lên lấy thì cháu bị phóng điện cao thế, bị ngã dẫn đến hôn mê, cơ thể bỏng nhiều nơi. Con trai lớn của tôi là người chứng kiến vụ việc, thương em nên cả đêm khóc và không ngủ được. Bản thân tôi thì hết sức đau lòng. Tôi mong đây là bài học cho tất cả các gia đình. Chúng ta cần quan tâm, giám sát con em mình nhiều hơn, nhất là trong dịp hè để không xảy ra các tai nạn đáng tiếc”.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thăm khám cho bệnh nhi bị tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện |
Đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh), em Lương Thị Bích Hiền (12 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) vẫn chưa hết bàng hoàng khi tai nạn xảy ra với mình. Hiền kể, do nghỉ học nên em cùng các bạn đi chơi cạnh một hồ nước. Trong lúc chơi, em bị trượt chân ngã xuống hồ, nhưng lại không biết bơi. Các bạn vội vàng kêu cứu và may mắn đã có người kịp thời cứu giúp đưa lên bờ. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng em phải nằm viện điều trị 1 tuần qua.
Anh Lương Quang Thần (cha cháu Hiền) chia sẻ: “Khi sự việc xảy ra, tôi cũng không biết, chỉ khi nghe con kể lại. Sau đó, con nói bị tức ngực, nôn ra máu, tôi hoảng quá liền đưa đến bệnh viện cấp cứu”. Theo anh Thần, dịp hè các cháu nghỉ học nhưng nhiều cha mẹ vẫn phải đi làm, bị chi phối nhiều việc khác nên có thời điểm không theo dõi sát sao. Để tránh điều đáng tiếc, gia đình cần căn dặn các cháu cẩn thận, không chơi đùa tại các khu vực ao hồ và những nơi nguy hiểm.
Tăng cường phòng-chống tai nạn thương tích cho trẻ
Bác sĩ Kpă Minh-Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: 2 tuần qua, số trẻ điều trị tại Khoa do tai nạn thương tích tăng gấp đôi so với những ngày trước. Hầu như ngày nào cũng có trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện điều trị. Các tai nạn phổ biến là tai nạn trong sinh hoạt, giao thông, ngã, điện giật, bỏng… Nhiều ca vào viện trong tình trạng nặng như chấn thương sọ não, đa chấn thương, gãy xương, vỡ gan, vỡ lách, dập phổi… nên dù đã tích cực điều trị vẫn để lại di chứng, thương tật nặng nề về sau đối với trẻ.
Tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng trong những ngày vừa qua. Ảnh: Như Nguyện |
Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn thương tích một phần là do thiếu sự giám sát của người lớn, môi trường sống thiếu an toàn và một phần do trẻ hiếu động, nghịch ngợm, thiếu kỹ năng ứng phó khi tai nạn xảy ra. Hầu hết các ca tai nạn giao thông thường xảy ra do trẻ em đi xe gắn máy, xe đạp điện và chưa ý thức được các quy định an toàn khi tham gia giao thông; điều khiển xe với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái. Mặt khác, đây là thời điểm đầu hè, mới kết thúc năm học nên nhiều gia đình cũng có tâm lý chủ quan, để trẻ vui chơi thoải mái sau những ngày học hành căng thẳng khiến tai nạn thương tích gia tăng.
Tai nạn thương tích ở trẻ có thể phòng tránh được, theo đó, công tác phòng-chống cần được chủ động, thực hiện thường xuyên. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-khuyến cáo: Hậu quả của tai nạn thương tích ở trẻ nhẹ thì ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng thì để lại di chứng, thương tật, thậm chí là thiệt mạng và đây là nỗi ám ảnh của trẻ, của gia đình. Tai nạn thương tích còn dẫn đến gánh nặng chi phí điều trị, nuôi dưỡng rất tốn kém.
Để phòng tránh, các gia đình cần giám sát, kiểm soát, hạn chế cho trẻ đến những nơi nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, vùng nước sâu... Gia đình, nhà trường có trách nhiệm hướng dẫn, rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự xử lý khi gặp tai nạn, kỹ năng cứu người bị tai nạn cũng như khuyến cáo các cháu tránh xa những hành vi, hành động nguy hiểm để tránh xảy ra tai nạn thương tích.