(GLO)- Dù giá xăng dầu đã giảm đáng kể nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trên thị trường Gia Lai vẫn neo giá ở mức cao. Điều này đang gây áp lực chi tiêu rất lớn cho người tiêu dùng.
Qua khảo sát tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói và hàng tiêu dùng vẫn đang neo giá ở mức cao, chưa có xu hướng về lại mặt bằng giá trước thời điểm xăng dầu tăng mạnh. Bà Lê Thị Hồng Vinh-chủ hiệu tạp hóa trên đường Lê Lợi-cho biết: “Cho tới thời điểm này, chưa có mặt hàng thực phẩm công nghệ nào giảm giá đáng kể cả. Một số loại như dầu ăn Simply giảm về giá 56 ngàn đồng/lít được mấy ngày rồi tiếp tục tăng lại, hiện đang nằm ở mức cao nhất trước đó là 62 ngàn đồng/lít. Hay sữa bột Vinamilk dành cho người già trước kia luôn duy trì mức giá 480 ngàn đồng/hộp thì hơn 1 tháng qua tăng lên 540 ngàn đồng/hộp. Giá các loại mì tôm, gia vị, bánh, kẹo, sữa tươi cũng chưa giảm”.
Tương tự, mặt hàng thực phẩm tươi sống có giảm giá nhưng không đáng kể. Cụ thể: thịt gà có giá dao động 100-140 ngàn đồng/kg (giảm 5 ngàn đồng/kg so với tháng trước), cá lóc đồng giá 70-150 ngàn đồng/kg tùy loại (giảm 5-10 ngàn đồng/kg so tháng trước)… Bà Thái Thị Hồng Trà-tiểu thương chợ Hoa Lư-cho hay: Khoảng hơn 1 tháng nay, giá thịt heo giữ ổn định, dao động quanh mức 100-150 ngàn đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ đang có giá 120 ngàn đồng/kg, sườn non 150 ngàn đồng/kg, thịt đùi 110 ngàn đồng/kg, xương 100 ngàn đồng/kg… “Nhiều người đi chợ cứ hỏi sao giá xăng dầu giảm mà giá thịt heo vẫn chưa giảm. Thật ra thì giá heo hơi thời gian gần đây có giảm nhưng giá thịt heo lại phụ thuộc hoàn toàn vào lò mổ. Họ không giảm, người bán lẻ cũng đành chịu, chỉ biết nhập sao bán vậy, kiếm chút chênh lệch”-bà Trà nói.
|
Giá heo hơi giảm nhưng giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao. Ảnh: Đức Thụy |
Tại một số chợ, mặt hàng hải sản cũng đang giảm khoảng 5-10 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, so với đà tăng trước đó, mức giảm này không đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thu-tiểu thương bán thực phẩm trên đường Phạm Văn Đồng-cho hay: Khi giá xăng dầu hạ, hoạt động đánh bắt hải sản ở các vùng biển diễn ra trở lại nên nguồn hàng dồi dào hơn. Tuy vậy, giá một số loại hải sản vẫn giữ nguyên ở mức cao. Hiện giá các loại cá dao động ở mức 75-280 ngàn đồng/kg, tôm thẻ 170-240 ngàn đồng/kg, mực 180-350 ngàn đồng/kg…
Cơ cấu giá thành sản phẩm hàng hóa được tạo bởi từ nhiều yếu tố khác nhau, từ nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển cho đến thời tiết, mùa vụ… Tại nhiều vùng chuyên canh rau, do ảnh hưởng bởi mưa bão nên nhà vườn khó sản xuất. Mặt khác, giá phân bón vẫn ở mức cao nên chi phí bị đẩy lên. Ngoài các loại rau ăn lá giữ ổn định về giá thì nhiều loại có giá rất cao như: cà chua 40 ngàn đồng/kg, các loại bí, đậu 20-25 ngàn đồng/kg.
|
Giá hàng thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao tạo áp lực trong chi tiêu hàng ngày của người dân. Ảnh: Vũ Thảo |
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương: Ở những thời điểm giá xăng dầu tăng, hàng hóa cũng tăng theo. Các doanh nghiệp nhập hàng số lượng lớn nhưng việc tiêu thụ lại chậm nên lượng hàng tồn lúc nhập giá cao còn nhiều. Mặt khác, việc điều chỉnh giá bán hàng hóa cũng theo chu kỳ sản xuất. Trong khi đó, ngoài bị tác động bởi giá xăng dầu thì yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng đã tạo áp lực đẩy giá hàng hóa tăng cao trong thời gian qua. Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm với mức giá tốt nhất, nhiều siêu thị phối hợp với nhà sản xuất thực hiện cắt lô, đặt hàng số lượng nhiều để được hưởng giá tốt; đồng thời, liên tục có các chương trình ưu đãi giảm giá đối với các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng. |
Nhìn chung, mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn còn ở mức cao kể từ lúc giá xăng dầu đạt đỉnh. Bày tỏ lo ngại khi giá hàng hóa không giảm, bà Nguyễn Thị Lượng (tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku) nói: “Sữa, thực phẩm tươi sống là những mặt hàng chỉ có lên giá chứ chưa thấy xuống. Vì ậy, áp lực chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày vẫn rất lớn. Lẽ ra, với việc giảm giá xăng dầu thì hàng hóa cũng phải giảm theo. Đằng này, giá xăng dầu liên tục giảm mà giá hàng hóa trên thị trường vẫn vậy. Đi chợ mua hàng còn nghe người bán khẳng định một câu chắc nụi là giá khó trở về mặt bằng như trước mà lo quá”.
Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai-cho biết: Ngoài tác động bởi giá xăng dầu thì yếu tố nguyên liệu đầu vào trong sản xuất tăng đã tạo áp lực đẩy giá hàng hóa tăng cao trong thời gian qua. Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ kiểm soát giá đối với những mặt hàng Nhà nước định giá, còn giá hàng hóa trên thị trường là do sự thỏa thuận, cân đối giữa bên mua với bên bán và sự điều tiết cung cầu của thị trường. Với chức năng của mình, qua giám sát, nếu phát hiện trường hợp người bán găm hàng, tăng giá quá mức, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định.
VŨ THẢO