Gia Lai: Trẻ em mắc các bệnh hô hấp tăng cao, bệnh viện quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-10, bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết, trong khoảng 400 bệnh nhi đến bệnh viện khám chữa bệnh hàng ngày có đến 80% liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Nhiều ca trong số này phải nhập viện điều trị nội trú do bệnh diễn tiến nặng.

Trẻ em mắc bệnh hô hấp gia tăng

Thời điểm giao mùa từ hè sang thu, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh viêm nhiễm hô hấp ở trẻ em gia tăng và lây lan nên số lượng bệnh vào viện tăng gấp đôi so với các tháng trước. “Nhiều ca bệnh ban đầu chỉ sổ mũi, hắt hơi nhưng sau đó diễn tiến nhanh gây suy hô hấp, khó thở, tím tái, tổn thương phổi phải thở máy. Vì vậy, các bệnh nhi cần được thăm khám kịp thời và theo dõi sát sao”-bác sĩ Thành khuyến cáo.

z5945157172566-7f3297a271e892638aaf6609f68ff09c-6819.jpg
Bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đường hô hấp tăng cao, Bệnh viện Nhi Gia Lai phải kê thêm giường, điều động nhân lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị. Ảnh: Như Nguyện

Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Gia Lai) hiện có hơn 200 bệnh nhi đang nằm điều trị, 2/3 là các bệnh nhi bị các bệnh hô hấp, lứa tuổi chủ yếu từ 1 đến 5 tuổi và bệnh nặng thường rơi vào các trẻ từ 1 đến 12 tháng tuổi.

Số bệnh nhân nhi nhập viện điều trị nội trú gấp đôi so với tổng số giường bệnh được giao nên có trường hợp 2 bệnh nhi phải ghép chung một giường. Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền phải tận dụng lối đi hành lang, khoảng trống để kê thêm giường cho bệnh nhân nằm điều trị. Chị Hat (xã Glar, huyện Đak Đoa) chia sẻ: Con tôi 2 tuổi bị viêm phế quản nhập viện điều trị đã 3 ngày nay. Do bệnh nhi đông nên con tôi được ghép nằm chung giường với một bệnh nhi khác.

“Mọi người cũng chia sẻ việc nằm chung giường điều trị vì bệnh nhân đông. Tuy vậy, bệnh viện đã tăng cường y, bác sĩ tận tình thăm khám và chăm sóc chu đáo nên chúng tôi an tâm điều trị”-chị Hat nói.

Bác sĩ Rmah Din-Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền thông tin: Dự lường các bệnh hô hấp sẽ tăng cao trong thời điểm giao mùa từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, vì vậy Bệnh viện nói chung, Khoa nói riêng đã chủ động kế hoạch sẵn sàng các điều kiện để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi. Khó khăn hiện nay là có nhiều ca diễn tiến nặng do khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh không kịp thời cho bé đến các cơ sơ y tế thăm khám, mà tự ý mua thuốc cho trẻ uống khiến bệnh không giảm mà diễn tiến nặng hơn mới đưa trẻ nhập viện gây khó khăn trong công tác điều trị.

z5945157196482-616fb5ec527f9a1cb8a8bf322e111b1c-5309.jpg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện

Tăng cường công tác điều trị, phòng-chống bệnh

Chị Kpă H’Âm (làng Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: Con tôi 19 tháng tuổi. Ban đầu bé chỉ sổ mũi, ho nên tôi tự mua thuốc cho cháu uống 5 ngày nhưng không khỏi mà bệnh nặng hơn, có biểu hiện khó thở, thở rút lõm lồng ngực, tím tái nên tôi đưa cháu lên Bệnh viện Nhi. Các bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi nặng, nếu ban đầu được thăm khám điều trị đúng thì bệnh sẽ không diễn tiến nặng như vậy. Đây là bài học kinh nghiệm, sau này nếu cháu đau ốm, tôi sẽ đưa cháu đến bác sĩ đi thăm khám kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị cho cháu.

Còn chị Be (làng Ođeh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) bộc bạch: Con tôi 2 tháng tuổi. Ở nhà cháu ho, sổ mũi nên tôi mua thuốc cho cháu uống, tuy nhiên bệnh không khỏi nên tôi đưa cháu vào viện nhi điều trị. Vào đây bệnh nhi rất đông, có một số chị cùng làng tôi cũng có con nằm điều trị tại đây.

Ngoài kê thêm giường bệnh, để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhi đang điều trị nội trú, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai đã điều 3 bác sĩ và 5 điều dưỡng từ các khoa khác hỗ trợ Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền, nâng tổng số nhân lực hiện có tại Khoa lên 15 bác sĩ và 28 điều dưỡng đáp ứng yêu cầu chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhi.

Bệnh lý hô hấp có tính chất lây lan nhanh từ người sang người khi người bệnh ho, hắt hơi và khi tiếp xúc gần với người khác. Đặc biệt, bệnh lây lan nhanh trong các trường học nhất là bậc học mầm non nên công tác phòng-chống bệnh cần được quan tâm tránh cho bệnh lây lan, bùng phát.

z5945157222278-edbabb2037b399d567b365c6fb7b3db7-217.jpg
Hiện nay, trong khoảng 400 bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Gia Lai khám chữa bệnh hàng ngày có đến 80% bệnh nhi liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Để phòng-chống bệnh cho trẻ, phụ huynh cần quan tâm chăm sóc, phòng ngừa bệnh bằng cách chú trọng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ, giữ ấm cho trẻ; cho trẻ nhỏ nước mũi, súc miệng bằng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, khi ra đường cần cho trẻ đeo khẩu trang, tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.

“Phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh. Khi trẻ bị bệnh hô hấp nói riêng các bệnh tật khác nói chung thì người nhà không tự ý mua thuốc cho trẻ uống, mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị đúng cách, tránh cho bệnh diễn tiến nặng”- bác sĩ Thành khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.