Gia Lai tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 2300/UBND-KGVX ngày 10-10-2022 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm và hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo đó, thời gian qua, tình hình dạy thêm, học thêm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh luôn được xã hội quan tâm. Hiệu quả của việc dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua trình độ, kiến thức của học sinh ngày càng được nâng cao, học sinh có học lực kém theo kịp các bạn học, học sinh giỏi được bổ túc kiến thức để nâng cao trình độ hơn. 

Tuy nhiên, hoạt động dạy thêm, học thêm có nơi thực hiện không đúng quy định, thậm chí còn tác động tiêu cực và gây dư luận xấu trong xã hội. Tình trạng các nhóm trẻ gia đình tự phát (nuôi dạy trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi) hoạt động không đăng ký theo quy định của pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý; người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giáo viên, nhân viên chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; điều kiện về cơ sở vật chất… đã gây nên một số vụ việc thương tâm do bạo hành, ngược đãi trẻ em.

Công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý chuyên môn thuộc về ngành Giáo dục, quản lý hành chính thuộc về chính quyền địa phương nên sự phối hợp chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm còn mang tính hình thức, cả nể, không quyết liệt dẫn đến các nhóm trẻ gia đình tự phát, sau khi bị kiểm tra, nhắc nhở vẫn tiếp tục tái diễn hoạt động và không hợp tác.

Trên cơ sở báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai tại Công văn số 1743/CAT-PA03 ngày 2-8-2022; đồng thời, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm, hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức phổ biến triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm; tăng cường tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm, hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực GD-ĐT, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động giáo dục gây dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng giáo dục trên địa bàn; tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng ở các trường, cơ sở giáo dục mầm non.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm. Ảnh: Mộc Trà.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục. Ảnh: Mộc Trà.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai các nội dung, nhiệm vụ nhằm đảm bảo quyền trẻ em, thực hiện nghiêm Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị-xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng-chống bạo lực trong trường học; phòng-chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Ngoài ra, cần củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đến Tổng đài 111 và các cơ quan có thẩm quyền; triển khai, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các hoạt động dạy thêm, học thêm và quản lý các cơ sở giáo dục; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm, hoạt động của các cơ sở giáo dục tại địa phương để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tăng cường công tác quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, hoạt động của các cơ sở giáo dục tại địa phương; chấn chỉnh kịp thời các hoạt động dạy thêm, học thêm có dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, nhất là việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động của các trường, lớp mầm non dâp lập và tư thục tại địa phương; chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp lực lượng Công an cơ sở tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sơ giáo dục mầm non trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm có liên quan đến các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; có biện pháp xử lý đối với các nhóm trẻ gia đình tự phát không đủ điều kiện tổ chức hoạt động, không đảm bảo về cơ sở vật chất, không đảm bảo về tiêu chuẩn người chăm sóc, nuôi dưỡng… tại địa phương.

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.