Gia Lai: Rà soát, sàng lọc đảng viên vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (17 và 18-5), đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến cho các đề án trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nổi bật trong đợt khảo sát lần này là việc rà soát, sàng lọc và đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; hướng dẫn khung để nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên.

Quyết liệt loại bỏ đảng viên vi phạm

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đa số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức về tư tưởng chính trị hạn chế, sa sút về đạo đức lối sống, thiếu rèn luyện, vi phạm kỷ luật… Do vậy, việc rà soát, sàng lọc và kịp thời đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng là yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Từ năm 2011 đến tháng 5-2018, tỉnh đã rà soát, sàng lọc, loại 619 người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; đồng thời có 45 đảng viên xin ra khỏi Đảng.

 

Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Tỉnh ủy để khảo sát một số nội dung các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh: M.N
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Tỉnh ủy để khảo sát một số nội dung các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh: M.N

Nhiều năm qua, công tác rà soát, sàng lọc, loại bỏ những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng được Đảng bộ huyện Đak Đoa thực hiện rất quyết liệt. Chỉ trong năm 2017, Đảng bộ huyện đã khai trừ 15 đảng viên vi phạm. Còn tính từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện đã khai trừ ra khỏi Đảng 25 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc bỏ sinh hoạt Đảng nhiều kỳ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa, cho rằng: Nhiều ý kiến tán đồng việc mạnh tay xử lý đối với những đảng viên không đủ tư cách nhưng vẫn có một số ý kiến trái chiều. Theo đó, việc đưa ra khỏi Đảng nhiều đảng viên vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích, kết quả phấn đấu của cả hệ thống chính trị và có những đánh giá không tốt về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ. Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa khẳng định, nguyên nhân dẫn đến việc những nhân tố kém tích cực vẫn có chỗ tồn tại ở các tổ chức cơ sở Đảng là do công tác kết nạp đảng viên đầu vào chưa tốt. Do chạy theo chỉ tiêu kết nạp đảng viên hàng năm và áp lực phải có tổ chức Đảng ở từng thôn, làng để lãnh đạo nên không tránh khỏi những trường hợp chất lượng đảng viên kết nạp không đảm bảo yêu cầu, tham gia sinh hoạt không đầy đủ, nhận thức và cách làm không đảm bảo tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên.

“Hàng ngàn lời tuyên truyền, kích động trên các trang mạng tác động tiêu cực đến tư tưởng người dân, nhất là thế hệ trẻ, cũng không bằng một lời nói sai, hành động sai của đảng viên. Đây là hình ảnh thực tế làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng. Do vậy, việc sàng lọc, loại bỏ những đảng viên vi phạm để làm trong sạch tổ chức Đảng là hết sức cấp thiết, phải làm quyết liệt, không được dung dưỡng, bao che”-ông Thọ khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Định-Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định: Hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, từ đó thách thức và đe dọa sự tồn vong của Đảng. Do đó, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng.

Cần xây dựng khung để nâng cao chất lượng đảng viên

Qua khảo sát tại một số cơ sở Đảng và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đã ghi nhận nhiều ý kiến. Đó là việc xây dựng hướng dẫn khung để nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; những quy định, hướng dẫn cần được sửa đổi, bổ sung để công tác phát triển đảng viên, chất lượng đảng viên kết nạp được tốt hơn.

Trao đổi về những vướng mắc của địa phương, ông Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu (huyện Chư Prông), cho biết: Việc phát triển đảng viên tại 17 chi bộ thôn, làng trên địa bàn xã đang bị ách tắc, số lượng đảng viên kết nạp mới từ nhiều năm nay chỉ đếm “trên đầu ngón tay”. “Một số quần chúng ưu tú là người dân tộc Bahnar, Jrai tại các chi bộ thôn, làng làm việc năng nổ và có trách nhiệm, phấn đấu rất tốt, động cơ vào Đảng rõ ràng nhưng trình độ học vấn chỉ mới lớp 3, cao lắm cũng hết lớp 6 thì không đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp vào Đảng. Những quần chúng ưu tú khác thì vi phạm chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình và phần lớn còn lại theo đạo nên hạn chế trong việc phát triển đảng viên”-ông Hoàng nêu khó khăn.

Tình trạng này cũng đang xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ông Trần Ngọc Bính-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty, xác nhận: Tổng số cán bộ, công nhân viên, người lao động của Công ty trên 3.000 người, trong đó có đến 1.500 lao động là người dân tộc thiểu số. Tuy vậy, trong số này chỉ mới có 22 người là đảng viên. Theo ông Bính, nguyên nhân là do tiêu chuẩn quy định về trình độ học vấn đã và đang cản trở việc kết nạp đảng viên đối với người dân tộc thiểu số hiện nay, cần nới lỏng khung này thì mới có thể nâng số lượng đảng viên.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, Đảng bộ trực thuộc cũng nêu ra những tồn tại, bất cập, những vấn đề chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở và cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối với công tác phát triển đảng viên, Trung ương nên có quy định khung, còn tiêu chuẩn cụ thể giao cho cấp ủy trực thuộc căn cứ vào đặc thù của từng địa phương, đơn vị; cần bổ sung quy định giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét hạ tiêu chuẩn kết nạp đảng viên đối với những chi bộ vùng sâu, vùng xa để tránh tình trạng thôn, làng “tái trắng” đảng viên hoặc mỏng đảng viên. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cũng cho rằng: Việc xây dựng khung để nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên cần quy định phù hợp, tuy nhiên cần dựa vào đặc thù của địa phương. Đặc biệt là cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy địa phương về việc kết nạp đảng viên đối với người có đạo, quan tâm xem xét kết nạp đảng viên là những người có uy tín tại các thôn, làng.

Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý kiến tham gia của Tỉnh ủy Gia Lai đối với các đề án được khảo sát lần này. Trên cơ sở này, đoàn sẽ tham mưu cho Ban Tổ chức Trung ương xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư sao cho sát với tình hình thực tế, giúp các tổ chức Đảng ở cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của Trung ương.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.