Gia Lai: Nông dân trồng cà phê kiểu gì mà bán được giá cao, 8.500 đồng/kg cà phê tươi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng chung hướng đi về việc giải quyết vấn nạn "được mùa mất giá, được giá mất mùa", hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã cùng sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch).

Với hướng đi này, người nông dân vừa bớt lo cảnh mất mùa mà còn bán được cà phê tươi với giá cao, đạt 8.500 đồng/kg.

Người Ba Na làm cà phê sạch

Dạo quanh vườn cà phê 1ha đang thu hoạch, anh Si Môn (SN 1987, trú tại làng Dor 2, huyện Đăk Đoa) tâm sự: "Mấy năm gần đây, cà phê liên tục mất mùa, mất giá. Giá cà phê trên thị trường chưa bao giờ qua mức 7.000 đồng/kg.

Để nâng cao giá cả cũng như chất lượng cà phê, từ năm 2018 - 2019 tôi và các hộ dân làng Dor 2 đã tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh ở thôn Tuơh Ktu, xã Glar, để cùng nhau cam kết sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ. Đây là chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất".


 

 Nông dân cùng Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh thăm vườn cà phê hữu cơ. Ảnh: T.H
Nông dân cùng Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh thăm vườn cà phê hữu cơ. Ảnh: T.H


Hiện HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh có 19 thành viên tham gia và 31 hộ liên kết, với tổng diện tích khoảng 70ha. Toàn bộ diện tích này được sản xuất theo quy trình chứng nhận UTZ. Trong đó, 70% thành viên của HTX là người Ba Na ở 3 xã Glar, Ia Dơk và xã Trang của huyện Đăk Đoa.

Theo người dân nơi đây, sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ, toàn bộ quy trình sản xuất thay đổi hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học được giảm thiểu và chỉ sử dụng ở thời điểm nhất định theo quy trình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng lượng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại.

"Sau 1 năm chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ, hiện chất đất đang thay đổi, không chai cứng như trước mà dần tơi xốp hơn. Cây cà phê cũng khoẻ dần lên, năng suất ổn định, không bị năm mất mùa, năm được mùa như trước nữa. Đặc biệt hơn, nhờ canh tác theo chứng nhận UTZ nên gia đình tôi và các hộ bán được cà phê tươi với giá 8.500 đồng/kg" - anh Siu Môn phấn khởi nói.

Đang sản xuất 1,5ha cà phê 20 năm tuổi theo chứng nhận UTZ từ năm 2018 tới nay, anh Suân (SN 1986, làng Gloi Wêt, huyện Đăk Đoa) đánh giá: "Sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ giúp tạo ra sản phẩm cà phê sạch hơn, sức khỏe người trồng và môi trường được đảm bảo nhờ giảm các chất hoá học độc hại. Ngoài ra, cách trồng này cũng giúp năng suất cà phê ổn định, chi phí giảm nên lợi nhuận vườn cây sẽ cao hơn. Theo dự kiến, với hướng đi này, năm nay gia đình tôi sẽ thu về khoảng 5 tấn cà phê nhân/ha, cao gấp 3 lần năng suất trước đó".

Nâng cao giá trị hạt cà phê

 

Khi thu hoạch người dân sẽ lựa những trái cà phê chín để bán, nửa còn lại bán theo giá thường. Ảnh: T.H
Khi thu hoạch người dân sẽ lựa những trái cà phê chín để bán, nửa còn lại bán theo giá thường. Ảnh: T.H


"HTX cũng triển khai sản xuất sản phẩm cà phê có thương hiệu Slar Land coffee, được thành viên HTX tâm huyết lựa chọn từ những hạt cà phê chất lượng cao nhất. Bước đầu sản phẩm đã được thị trường đón nhận, đầu ra ngày càng tăng".

Ông Lê Hữu Anh

Theo ghi nhận của phóng viên, trong năm đầu tiên chuyển đổi phương pháp canh tác cà phê, hộ dân nào cũng bị giảm năng suất. Tuy nhiên, từ năm thứ 2 trở đi, năng suất bắt đầu tăng dần.

Sản xuất theo hướng hữu cơ, khi thu hoạch người dân sẽ lựa những trái cà phê chín để bán, nửa còn lại bán theo giá thường. Vì bón phân, phun thuốc đúng kỹ thuật nên năng suất vườn cây sẽ cao hơn những vườn cà phê chăm sóc theo kiểu thông thường.

Nhờ sản xuất theo đúng quy trình nên sản phẩm cà phê của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh đã có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Đặc biệt, người dân địa phương đang dần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống chú trọng thâm canh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học theo kinh nghiệm, sang canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

"Việc áp dụng theo tiêu chuẩn bước đầu giúp người dân địa phương biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, không sử dụng thuốc trừ cỏ gây ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất ra hạt cà phê sạch, đảm bảo tiêu chuẩn" - ông Bùi Quang Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Glar đánh giá.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Anh - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh cho biết: "Hiện HTX đã liên kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê ra thị trường nước ngoài, với giá thành ổn định. Dự kiến, trong niên vụ này, tổng sản lượng cà phê tiêu chuẩn UTZ của chúng tôi sẽ đạt khoảng 200 tấn".


https://danviet.vn/gia-lai-nong-dan-trong-ca-phe-kieu-gi-ma-ban-duoc-gia-cao-8500-dong-kg-ca-phe-tuoi-20210124164339613.htm

Theo TRẦN HIỀN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.