Gia Lai: Kinh tế tập thể đột phá để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai được nâng lên, tạo đột phá trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều thành viên.

Kết quả ấn tượng

Theo thời gian, mô hình KTTT mà nòng cốt là HTX đang từng bước phát triển ổn định và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế huyện Ia Grai. Toàn huyện có 20 HTX đang hoạt động với 1.843 thành viên. Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của HTX là 96,7 tỷ đồng, trong đó, tổng số vốn đăng ký mới là 90,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của mỗi HTX ước đạt hơn 7,6 tỷ đồng/năm; lãi bình quân ước đạt 136 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập của thành viên khoảng 45 triệu đồng/năm.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam


Theo ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, các HTX chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời là chỗ dựa của kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó, lợi ích của các thành viên khi tham gia HTX tăng lên rõ rệt, không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn được mua vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn thị trường, nông sản được bao tiêu đầu ra ổn định. So với năm 2013, doanh thu bình quân của mỗi HTX ở mức 990 triệu đồng thì năm 2021 tăng lên hơn 7,6 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân từ 50 triệu đồng tăng lên 136 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai khẳng định: Huyện luôn quan tâm triển khai các chính sách về đất đai, hỗ trợ thành lập mới, ưu đãi về thuế, chi trả lương cho cán bộ trẻ về làm việc tại HTX để khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết tạo thành tổ hợp tác, HTX nhằm tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc thành lập các HTX gắn liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã đáp ứng được đầu ra của nông sản, giúp người dân không bị thương lái ép giá, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững. Đơn cử, HTX Mật ong Phương Di Ia Grai có 11 tổ hợp tác là đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ hạt điều; hộ Nguyễn Thị Thảo-thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C...

Trong khi đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cũng đã tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các HTX trên địa bàn huyện Chư Sê. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai nhiều đề tài, dự án hỗ trợ các HTX nông nghiệp như: thay đổi giống cây trồng, vật nuôi; bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa; tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản… nhằm tạo thuận lợi cho các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, 26 HTX trên địa bàn huyện đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 69 tỷ đồng, gồm 448 thành viên tham gia, lãi bình quân của mỗi HTX trên 208 triệu đồng/năm.

Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết thành chương trình hành động. Đặc biệt, KTTT, HTX ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân. Chính vì vậy, số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng nâng lên, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập của thành viên từng bước được cải thiện.

Sản xuất cây giống chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản xuất cây giống chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đã tác động tích cực đến sự phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhận thức của cán bộ, người dân ngày càng được nâng cao. Đa số HTX đã chú trọng đến việc kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hộ gia đình, khu vực nông thôn và tăng trưởng chung của tỉnh. Nhiều HTX vươn lên làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo vị trí trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trong số này, đáng chú ý là HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) sản xuất gạo trở thành sản phẩm đặc trưng vùng miền; HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa) vận hành hiệu quả mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mía với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai; HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) áp dụng công nghệ trồng hồ tiêu hữu cơ; HTX Mật ong Phương Di Ia Grai đã xây dựng thành công thương hiệu mật ong trên thị trường, mang lại thu nhập khá cho các thành viên…

Toàn tỉnh có 335 HTX, tăng 245 HTX so với thời điểm cuối năm 2001. Trong đó, HTX nông nghiệp chiếm 81,6%; tổng vốn điều lệ đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 567,3 tỷ đồng so với năm 2001); doanh thu bình quân năm 2021 ước đạt 2,7 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 92 triệu đồng/HTX. Trong số này, có 157 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và có những cách làm mới, thành lập và hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Liên kết sản xuất đang là hướng đi bền vững của nhiều HTX. Ảnh Vũ Thảo
Liên kết sản xuất đang là hướng đi bền vững của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo
Qua tổng kết cho thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), khu vực KTTT nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển KTTT, HTX được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể; nhiều HTX, liên hiệp HTX phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động... (Trích bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, các HTX cần đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết nông dân cũng như làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Đặc biệt là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tạo điều kiện để các đơn vị này tiếp cận được các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương; liên doanh liên kết với các loại hình kinh tế khác phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đánh giá: Hiện nay, các HTX của huyện đa phần mới thành lập, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất còn thô sơ nên không mang lại hiệu quả cao. “Bên cạnh đó, các HTX còn gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, cơ sở vật chất (trụ sở làm việc, nhà kho), năng lực quản lý của cán bộ còn hạn chế. Mặt khác, giá vật tư đầu vào tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra thấp làm cho lợi nhuận của thành viên giảm. Kèm theo đó là chính sách hỗ trợ về vốn của Nhà nước chưa thực sự khuyến khích các HTX mở rộng quy mô. Hoạt động của các HTX vẫn dựa vào một số thành viên tích cực chứ chưa lan tỏa, lôi kéo được nhiều thành viên tham gia”-ông Hưng chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX là một trong những giải pháp cấp bách hiện nay. Bởi đa số nhân sự quản lý HTX đều lớn tuổi, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. “Công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo trong việc lập kế hoạch, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò điều hành, tổ chức được tốt hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động”-ông Hùng đề nghị.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Để tiếp tục phát triển KTTT, HTX, Sở sẽ phối hợp với các ngành nghiên cứu, tham mưu và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phù hợp với tiêu chí phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, nhất là hỗ trợ HTX nông nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, hỗ trợ phát triển; xây dựng và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị và các sản phẩm OCOP.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.