Gia Lai kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tuy đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng nhiều doanh nghiệp chậm triển khai dự án, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, thu hồi những dự án chậm tiến độ nhằm lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngày 14-10, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án xây dựng nhà máy nước sạch công suất 5.000 m3/ngày đêm tại thị trấn Chư Prông do Công ty cổ phần Cấp nước Chư Prông làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, công trình được khởi công vào quý II-2020 và đến quý IV-2020 thì đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không triển khai thực hiện dự án đúng theo quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời không ký quỹ, không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật. Cũng trong ngày 14-10, Sở KH-ĐT đã quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Nhà máy chế biến dược liệu, cây ăn trái tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh do Công ty cổ phần Điền An Gia Lai làm chủ đầu tư do không triển khai dự án theo đúng quyết định chủ trương đầu tư.

 Dự án Hoàng Nhi Plaza đã chấm dứt hoạt động. Ảnh: Hà Duy
Dự án Hoàng Nhi Plaza đã chấm dứt hoạt động. Ảnh: Hà Duy


Trước đó, Sở KH-ĐT cũng đã có quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Hoàng Nhi Plaza (số 25 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, Dự án Hoàng Nhi Plaza gồm khu phức hợp 8 tầng và 1 tầng hầm dùng làm siêu thị, nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, các dịch vụ phụ trợ với tổng diện tích gần 3.250 m2; tổng mức đầu tư 178,4 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 40 năm. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý I-2018. Tuy nhiên, nhà đầu tư không triển khai đúng theo kế hoạch. Đến cuối năm 2020, với sự hỗ trợ vốn từ Sacombank, chủ đầu tư cam kết huy động tối đa nhân lực, vật lực, đẩy mạnh thi công, cam kết tốc độ hoàn thành trung bình 20 ngày/tầng và sẽ hoàn thành trong quý I-2021. Song, dự án cũng chỉ mới dừng ở bước khoan và đổ bê tông nhồi cọc, chưa triển khai thi công công trình chính, cổng đóng tạm bợ, nhếch nhác.

Là một người dân sống lâu năm tại khu vực triển khai Dự án Hoàng Nhi Plaza, ông Nguyễn Văn Hải (tổ dân phố 4, phường Hoa Lư) chia sẻ: “Người dân rất mong chờ dự án hoàn thành sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ làm đẹp bộ mặt đô thị mà còn có những đóng góp đáng kể vào ngân sách, góp phần tạo việc làm cho người lao động... Tiếc là thời gian dài như vậy rồi, dự án vẫn đứng im. Việc chấm dứt hoạt động dự án là cần thiết để thu hồi lại mặt bằng, triển khai các dự án khác”.

Được biết, bên cạnh những dự án trên, toàn tỉnh đã có hơn 20 dự án khác phải chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động do chậm tiến độ thực hiện so với quyết định chủ trương đầu tư; nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết trong việc triển khai dự án, không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: Thời gian qua, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, Sở KH-ĐT cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư. “Đặc biệt, Sở phối hợp cùng Sở Tài chính thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án; đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án. Do vậy, hầu hết các dự án sau khi được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đều triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nên có một số dự án không triển khai hoặc chưa triển khai đúng tiến độ, buộc phải xử lý chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư”-ông Quế cho hay.

Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin thêm: Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và sớm đưa dự án vào hoạt động. Trong quá trình triển khai dự án, Sở KH-ĐT luôn đồng hành để theo dõi, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện đúng tiến độ mà không có lý do chính đáng, hợp lệ thì Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án theo quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác triển khai thực hiện.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.