Gia Lai: Giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, lĩnh vực giáo dục mũi nhọn của tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, góp phần bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Thành tích ấn tượng
Trường THPT chuyên Hùng Vương được xem là “cái nôi” phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Nhiều năm qua, số lượng học sinh của trường tham gia và đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) ngày càng tăng. Riêng năm học 2019-2020, toàn trường có 140 HSG cấp tỉnh (78 giải ở bảng A và 62 giải ở bảng B). Trong số học sinh đạt giải ở bảng A, có 52 em được chọn vào đội tuyển của tỉnh để tham dự kỳ thi HSG quốc gia và đã mang về 28 giải (2 giải nhì, 12 giải ba, 14 giải khuyến khích).
Bên cạnh bồi dưỡng HSG, nhà trường còn chú trọng phát triển năng lực học sinh thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và một số lĩnh vực khác. Nhờ đó, học sinh của trường đã gặt hái nhiều thành tích cao tại các cuộc thi ở nhiều lĩnh vực. 
Gắn bó với công tác bồi dưỡng HSG suốt 17 năm qua, cô Quảng Thị Kiệp-giáo viên môn Sinh học-chia sẻ: “Đề thi ngày càng khó hơn với mức độ kiến thức rộng và đa dạng nên đòi hỏi giáo viên phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nhạy bén trong đổi mới phương pháp để truyền đạt, hướng dẫn, gợi mở cho học sinh một cách tốt nhất có thể. Tôi cũng rất phấn khởi khi 6/6 học sinh trong đội tuyển Sinh học tham gia thi HSG quốc gia năm học 2019-2020 đều đạt giải”.
Một tiết bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tin học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Hồng Thi
Một tiết bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tin học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Hồng Thi
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) cũng là đơn vị tiêu biểu về chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh. 5 năm gần đây, tổng số HSG cấp tỉnh của trường đều xếp thứ 2 toàn ngành. Tại kỳ thi chọn HSG lớp 12 cấp tỉnh bảng B năm học 2020-2021, toàn trường có 32 em đạt giải. Nhiều cuộc thi các cấp như: Khoa học kỹ thuật, Olympic tiếng Anh, Pháp luật học đường, Đại sứ Văn hóa đọc, Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng, Tin học trẻ, An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai... cũng có sự góp mặt và ghi dấu thành tích của học sinh nhà trường.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Duy Định thông tin: Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, từ HSG các môn văn hóa cấp THCS, THPT đến chất lượng những cuộc thi mang tính chuyên ngành. Đặc biệt, kết quả kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2019-2020 đạt khá cao với 28 giải, tăng 15 giải so với năm học trước đó.
Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cùng năm với 67 đơn vị tham gia, Gia Lai là 1 trong 12 đơn vị có 100% dự án tham dự đạt giải. Liên tiếp 2 năm liền (2018 và 2019), tỉnh cũng có dự án tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF tại Hoa Kỳ. Bên cạnh Trường THPT chuyên Hùng Vương, nhiều đơn vị đã có sự bứt phá vươn lên và có học sinh dự thi HSG quốc gia như: THPT Chu Văn An, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Pleiku…
Nhiều giải pháp đồng bộ
Những thành quả trên là minh chứng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng hướng từ Sở GD-ĐT đến các trường; sự nỗ lực vượt bậc của giáo viên, học sinh và sự ủng hộ, đồng hành của phụ huynh. Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho hay: Ngay từ khi học sinh bước vào lớp 10, nhà trường đã tiến hành khảo sát để lựa chọn những em có tố chất, năng lực vào đội tuyển HSG. Kế hoạch bồi dưỡng được xây dựng cụ thể, khoa học và khả thi; lựa chọn những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết để tham gia bồi dưỡng đội tuyển HSG; làm tốt công tác tư tưởng để học sinh quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
Đầu tháng 7 vừa qua, nhà trường cũng đã tổ chức hội thảo về công tác bồi dưỡng đội tuyển HSG nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng HSG của đơn vị trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, nhà trường còn vận động phụ huynh học sinh đồng hành cùng đơn vị trong công tác bồi dưỡng HSG bằng cách ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ về thời gian, tinh thần, vật chất; kết nối với lực lượng cựu học sinh từng đạt giải trong các cuộc thi HSG để truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp sau.
Các học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) đạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai năm 2020. Ảnh: Hồng Thi.
Các học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) đạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai năm 2020. Ảnh: Hồng Thi
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Hải Hà cũng nêu kinh nghiệm: “Ban Giám hiệu giao các tổ chuyên môn lựa chọn nguồn và bồi dưỡng HSG ngay từ lớp 10, đặc biệt ưu tiên những em có giải thi cấp tỉnh từ bậc THCS. Mỗi tháng, các tổ chuyên môn phải báo cáo 1 chuyên đề về công tác giảng dạy, bồi dưỡng HSG phù hợp với tình hình mới. Các cuộc kiểm tra, sát hạch HSG cũng được tổ chức thường xuyên để nắm bắt, đánh giá chất lượng dạy và học. Thuận lợi của trường là đội ngũ giáo viên đa phần có tuổi nghề cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong bồi dưỡng HSG”.
Cùng với công tác chỉ đạo sát sao đến các trường, Sở GD-ĐT đã dần thành lập đội tuyển HSG quốc gia hàng năm sớm hơn và tăng thời lượng bồi dưỡng tập trung từ 20 buổi lên 30 buổi và hiện nay là 45 buổi; đồng thời, phân tích, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phù hợp sau khi có kết quả các kỳ thi. Sở cũng kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên tinh thần đối với những học sinh đạt giải. 
“Thời gian đến, Sở sẽ tập trung chỉ đạo phát triển phong trào nâng cao chất lượng mũi nhọn từ các địa phương nhất là HSG lớp 9 để làm tiền đề cho HSG cấp THPT. Chú trọng công tác bồi dưỡng và đào tạo giáo viên giỏi các cấp; lựa chọn giáo viên có năng lực, tâm huyết để bố trí công tác dạy học và công tác bồi dưỡng. Về phía các địa phương cũng cần có những chính sách khuyến khích, động viên kịp thời trong việc tuyên dương thành tích mũi nhọn để tạo động lực phấn đấu cho các trường”-Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).