Gia Lai chuyển đổi số toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera
tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Tạo lập nền tảng

Về quá trình triển khai chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh-đánh giá: Gia Lai đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp… mang lại những kết quả ban đầu rất tích cực. Kiến trúc chính quyền điện tử bước đầu được hình thành; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) là một yếu tố quan trọng của chuyển đổi số, trong đó, CSDL về dân cư là then chốt. Đây là nền tảng có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, Công an tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt xây dựng CSDL quốc gia về dân cư. Trung tá Ksor HBơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh-thông tin: “Thực hiện nhiệm vụ quản lý dân cư, cấp căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển công dân số, tính đến ngày 20-11-2022, Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận 22.847 thông tin khai sinh để cấp số định danh cá nhân, đề nghị Bộ Công an hủy 10.163 dữ liệu dân cư bị sai và làm sạch dữ liệu cho hơn 1,68 triệu thông tin dân cư. Tính đến hết ngày 8-11-2022, Công an tỉnh đã hoàn thành cấp 1.142.929 thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 91,3%”.

Cùng với đó, nhiều hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành được các đơn vị, địa phương triển khai, đưa vào sử dụng hiệu quả, từng bước tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, góp phần hình thành nền tảng dữ liệu số cho phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số trong tương lai. Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Các hệ thống thông tin dùng chung cả tỉnh đã được triển khai theo chỉ đạo của Trung ương trong xây dựng chính quyền điện tử như nền tảng tích hợp; chia sẻ dữ liệu địa phương; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp với chữ ký số chuyên dùng; hệ thống một cửa điện tử được triển khai tại 100% đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã… Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh cũng triển khai giải pháp giám sát an toàn thông tin và được kết nối về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để theo dõi.

Điểm nhấn về chuyển đổi số của Gia Lai trong năm qua là đã triển khai Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh”. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Pleiku đi vào vận hành đã phát huy hiệu quả rõ nét, là tiền đề để tỉnh nhân rộng trong tương lai. Hiện tại, IOC đã tích hợp được 10 phân hệ bao gồm: phản ánh hiện trường, phần mềm giám sát danh tiếng Reputa, camera an ninh, camera giao thông, CSDL y tế, CSDL giáo dục, báo cáo kinh tế-xã hội, báo cáo quan trắc môi trường, hành chính công, du lịch. Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-đánh giá: “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển xã hội số, chuyển đổi kỹ năng làm việc, xây dựng nền tảng cung cấp các ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp để hình thành công dân số trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng hình ảnh, văn hóa, con người thân thiện, văn minh trên không gian mạng, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế cũng ghi nhận một số kết quả khả quan ban đầu trong chuyển đổi số. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-chia sẻ: Doanh số giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hàng năm đều tăng; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 ước đạt 7%. Toàn tỉnh có 1.552 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực tham gia bán hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử với tổng doanh thu từ tháng 8-2021 đến 8-2022 đạt khoảng 80 tỷ đồng. Hiện nay, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hạ tầng logistics, dịch vụ chuyển phát và giao hàng chặng cuối ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng hóa…

Chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội

Nhằm tranh thủ cơ hội phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số toàn diện để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng có Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết này.

Phản ánh của người dân, doanh nghiệp được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku phân loại, chuyển đến các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường xử lý. Ảnh: Quang Tấn

Phản ánh của người dân, doanh nghiệp được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku phân loại, chuyển đến các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường xử lý. Ảnh: Quang Tấn

Theo đó, Nghị quyết thể hiện rõ nét 6 quan điểm về chuyển đổi số của tỉnh gồm: chủ động thực hiện chuyển đổi số; bám sát mục tiêu chỉ đạo của Trung ương và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; chuyển đổi nhận thức là yếu tố tiên quyết; chuyển đổi số là động lực tạo ra cơ hội, giá trị mới để thúc đẩy phát triển kinh tế; chuyển đổi số phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; chính quyền kiến tạo thể chế, chính sách đẩy nhanh tiến trình phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, làm nền tảng cho việc chuyển đổi số. Mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng, hình thành hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực đầy đủ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh. Nghị quyết cũng xác định các lĩnh vực cần được ưu tiên trong chuyển đổi số là nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông-vận tải và logistics, du lịch, tài chính-ngân hàng.

Để Nghị quyết, Chương trình hành động về chuyển đổi số đi vào cuộc sống, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho rằng: Trong chuyển đổi số, người đứng đầu đóng vai trò quyết định, vì chỉ có người đứng đầu mới làm tốt nhất việc đánh giá đúng về khả năng, nguồn lực trong tổ chức của mình và đưa ra bài toán cụ thể cần giải quyết. Từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân cùng tham gia vào chuyển đổi số. Mỗi tổ chức và cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương; phải biết tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, nguồn lực bên ngoài, sự giúp đỡ của các bộ, ngành để tiến hành chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Chúng ta phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có đi đôi với đổi mới sáng tạo; trong đó, cần đặc biệt chú ý việc xây dựng CSDL về dân cư và định danh điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ; CSDL về đất đai, quy hoạch đô thị…

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Cần chú ý rằng người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Do đó, khi kiểm tra, đánh giá cần chú ý đến việc tham gia của người dân và doanh nghiệp, các lợi ích cụ thể do triển khai chuyển đổi số mang lại cho người dân, doanh nghiệp. Với nhận thức đúng về chuyển đổi số, quyết tâm cao và các giải pháp, bước đi sáng tạo, phù hợp điều kiện của địa phương, tôi tin tưởng rằng các cấp, các ngành sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian đến”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt quan điểm, định hướng, phát huy tinh thần “1 mục tiêu”, “2 trụ cột”, “3 đột phá”, “4 không”, “5 đẩy mạnh, tăng cường” nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

(GLO)- Sáng 8-11, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch số 2597/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về thí điểm thực hiện sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.