Gia Lai: Chưa thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xét về tiềm năng, tỉnh ta có nhiều điều kiện cực kỳ thuận lợi để có thể thu hút được đầu tư nước ngoài. Song thực tế vài năm trở lại đây, ngoài những nhà đầu tư cũ, tỉnh ta đã không thu hút được thêm nhà đầu tư nào mới.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta chỉ có 4 doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư 5 dự án, chủ yếu là khai thác và chế biến đá, cà phê, nông sản... Theo đánh giá của ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án của các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài này hoạt động khá hiệu quả, tình hình sản xuất ổn định. Tính đến giữa năm 2016, tổng doanh thu của 5 dự án đạt 58,388 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân Robusta với 37,126 triệu USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước gần 200 ngàn USD. Hiện các doanh nghiệp này đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.300 lao động.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xét về tiềm năng và thế mạnh, tỉnh ta là điểm hội tụ giao thương, có điều kiện để phát triển trên tất cả các lĩnh vực với quốc lộ 19 nối từ cảng nước sâu Quy Nhơn qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, kết nối qua đường 78 đi tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và sang các tỉnh Nam Lào, Thái Lan; có quốc lộ 14 đi qua 5 tỉnh Tây Nguyên trong khu vực Tam giác phát triển đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y qua Attapeu (Lào) về Đà Nẵng, kết nối với quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi; quốc lộ 25 đi Phú Yên. Ngoài ra, Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi các tỉnh thành lớn và ngược lại... Đó là về thế mạnh giao thông. Còn về tiềm năng, tỉnh ta đã giữ vững vị thế là thủ phủ hồ tiêu, diện tích lớn về cao su, cà phê. Chưa kể các lĩnh vực khác như: điện, phát triển đô thị, công-nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề… Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vậy vì sao cho tới nay, sau 10 năm triển khai thu hút đầu tư, tỉnh vẫn chỉ có 4 nhà đầu tư với 5 dự án?

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải: “Gia Lai là một tỉnh miền núi có khoảng 90 km đường biên giới giáp với các tỉnh Đông Bắc Campuchia, an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó, giao thông tỉnh ta chủ yếu là đường bộ và trên các tuyến đường tới Gia Lai, trạm thu phí BOT khá nhiều. Trong khi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là vùng nguyên liệu, dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến. Mà muốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, các nhà đầu tư phải chở hóa chất từ nơi khác tới và khi sản xuất xong lại phải vận chuyển sản phẩm ngược lại các cảng, theo đó, chi phí vận chuyển khá cao. Nguyên nhân nữa là, tuy tỉnh có nguồn lao động dồi dào, nhưng lượng lao động có tay nghề lại rất ít”. Do vậy, dù là vùng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, với các dự án chế biến các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, cao su…, nhưng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài ở tỉnh ta còn rất hạn chế. Bất cứ nhà đầu tư nào, khi đầu tư luôn tính tới bài toán hiệu quả. Nếu không khắc phục những hạn chế trên, công tác thu hút đầu tư vẫn sẽ khó khởi sắc.

Trong một cuộc họp về xúc tiến đầu tư, đại diện Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để thu hút được đầu tư nước ngoài, tỉnh cần chú trọng hơn đến công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư một số sản phẩm đã được quy hoạch cho cả vùng, đồng thời, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc tiếp tục triển khai các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư theo danh mục lĩnh vực dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, Gia Lai còn triển khai các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi khác về tiền thuê đất, các quy định về thành lập doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện đào tạo lao động theo địa chỉ, tức là đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để nêu rõ nhu cầu tuyển lao động theo ngành nghề mình cần.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.