Giá cà phê lao dốc, nông dân Tây Nguyên đau xót mất hàng nghìn tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những diễn biến trong năm 2018 cho thấy, ngành cà phê của Việt Nam đang bộc lộ nhiều tồn tại. Đặc biệt là vụ cà phê năm nay bị mất mùa, lại thêm tình trạng giá giảm sâu liên tiếp, có lúc về dưới giá thành khiến người trồng cà phê ở Tây Nguyên thất thu nặng.
Mùa cà phê "đắng" vì thất thu nặng
Những ngày này, người dân các địa phương trong tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào cuối vụ thu hoạch cà phê. Trái với không khí khẩn trương, tất bật của năm ngoái, năm nay nhiều chủ vườn cà phê tìm mãi mới thuê được người hái, lại rơi vào cảnh mất mùa, mất giá nên mặt ai cũng buồn thiu. Không ít vườn bị lỗ nặng, có bán hết cà phê cũng không đủ tiền tái đầu tư.
Theo ghi nhận tại huyện Ia Grai (Gia Lai) bà con nông dân đang thu hoạch những quả cà phê cuối cùng trên cây để trang trải chi phí công thuê hái.
 
 Nông dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) thu hoạch cà phê với nỗi buồn sản lượng và giá bán đều thấp.   Ảnh: Trần Hiền

Theo Bộ NNPTNT, định hướng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan. Đây là một tín hiệu tốt để nâng giá trị cho cà phê xuất khẩu, tăng giá thành cà phê trong nước và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nông dân trồng cà phê.


Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Len Lai (54 tuổi, trú tại thôn O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho hay: "Cà phê năm nay chán lắm, cả vườn nhà tôi khoảng 1.000 cây năm ngoái vẫn thu được 3 tấn nhân, năm nay chắc chưa được 1 tấn. Nhiều cây còn không có trái, thế nên thuê nhân công cũng chẳng ai buồn hái vì không đủ ngày công của họ. Hiện tại, cả gia đình phải làm cật lực mới hái xong 500 cây, còn khoảng 500 cây phải hái nốt, nếu để cây bung hoa là năm sau mất mùa hẳn".
Ông Vương Đình Danh (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho hay, với 4ha cà phê, vụ năm ngoái gia đình ông thu được hơn 20 tấn cà phê nhân. Trừ chi phí chăm sóc, phân bón, công thuê hái hết khoảng 6 tấn, gia đình ông còn lãi 14 tấn.
“Nhưng năm nay thì chán lắm, chẳng buồn tính toán gì nữa vì 4ha chỉ thu được khoảng 12 tấn cà phê nhân, giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, công hái thì tăng cao (200.000 đồng/người/ngày). Hiện giờ, giá cà phê nguyên liệu cũng đang thấp quá, gia đình tôi quyết định tích trữ chờ giá lên cao mới bán hi vọng lãi được chút ít” - ông Danh nói.
Theo bà con nông dân, niên vụ vừa qua, đợt mưa kéo dài đúng lúc cây cà phê ra quả non khiến nhiều vườn bị rụng quả, dẫn tới năng suất giảm so với niên vụ trước.
 
Nông dân tỉnh Gia Lai và nhiều địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên đang vào cuối vụ thu hoạch cà phê, nhưng năm nay năng suất giảm nhiều so với năm ngoái. Ảnh: Trần Hiền
Ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai thông tin: "Tổng diện tích cà phê của huyện hiện khoảng 17.587ha, trong đó cà phê kinh doanh là 15.669ha, còn lại là cà phê tái canh. Theo đánh giá chung trên địa bàn huyện, năng suất cà phê năm nay giảm hơn nhiều so với năm ngoái, ước khoảng 2.000 tấn cà phê nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất lợi, mùa mưa kéo dài đến hơn 3 tháng nên cây cà phê không có điều kiện phát triển quả, quang hợp kém. Cũng do mưa nhiều nên các chùm quả thưa thớt, xảy ra tình trạng rụng quả, thối quả…".
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, năng suất cà phê toàn tỉnh vụ này chỉ còn bình quân 11,5 tấn quả tươi/ha, giảm gần 1/3 so với vụ năm ngoái.
Tại "vựa" cà phê Đăk Lăk, tình cảnh cũng không khá hơn. Bà Nguyễn Thị Thía ở thôn 1, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, có 2ha cà phê, vụ năm ngoái thu được hơn 5 tấn nhân nhưng vụ này chỉ được khoảng 3,5 tấn. "Giá cà phê năm ngoái đạt 37.000 đồng/kg, trong khi nhân công thu hái chỉ 200.000 đồng/ngày, còn năm nay công hái lên tới 300.000 đồng/ngày mà rất khó thuê. Với 2ha cà phê chi phí đầu tư ban đầu 150 triệu đồng, công chăm sóc 40-50 triệu đồng/ha thì với giá bán 33.000 – 34.000 đồng/kg như hiện nay, lỗ vài chục triệu là bình thường" – bà Thía nói.
Chưa có triển vọng tăng giá
Bà con nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên cho biết, có lúc giá bán 1kg cà phê xuống tới gần 31.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình ở mức 35.000 đồng/kg nên hầu như ai cũng bị lỗ nặng.
 
Giá bán cà phê hiện đang ở mức dưới giá thành nên nhiều hộ quyết định "găm" hàng lại chờ giá cao hơn. 
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vifoca) cho hay, đợt khủng hoảng giá cà phê trong năm 2018 đã gây thiệt hại cho toàn ngành cà phê Việt Nam khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, thiệt thòi nhất vẫn là nông dân trồng cà phê - người trực tiếp sản xuất. Nguyên nhân chính, vẫn là do giá cà phê trong nước bị ảnh hưởng từ giá cà phê thế giới liên tục "lao dốc" vì dư thừa.
Bộ NNPTNT cho biết, giá cà phê thời gian tới khó có thể khởi sắc do sản lượng vụ cà phê mới của Brazil đang rất dồi dào. Để tránh những tác động tiêu cực từ giá cà phê thế giới, giảm thiểu rủi ro cho ngành cà phê, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến cà phê, xuất khẩu cà phê rang xay thay vì chủ yếu xuất khẩu cà phê thô như hiện tại.
Ông Phan Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, nếu đầu tư chế biến sâu, giá trị của sản phẩm cà phê có thể đạt 70 - 100 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán cà phê nhân có lúc chỉ đạt 32-36 triệu đồng/tấn. Đáng tiếc là hiện cà phê chế biến sâu mới chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê nhân của Việt Nam.
Thiên Hương (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.