Giá cà phê cao kỷ lục: Nguy cơ điệp khúc trồng, chặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa bão giá cà phê, người dân chặt điều, mít, chôm chôm, chanh leo để trồng. Nguy cơ vỡ quy hoạch cà phê đang bủa vây người trồng.
Vườn điều xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã được chặt bỏ để trồng cà phê, chỉ chừa 1 cây để che bóng. Ảnh: HỮU PHÚC

Vườn điều xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã được chặt bỏ để trồng cà phê, chỉ chừa 1 cây để che bóng. Ảnh: HỮU PHÚC

Chặt điều, mít, chôm chôm trồng cà phê

Tây Nguyên có khoảng 639.000ha cà phê. Giá cà phê liên tục “nhảy múa” theo chiều hướng tăng. Hiện cà phê đã vượt ngưỡng trên 120.000 đồng/kg nhân, cao kỷ lục. Mức giá này khiến nông dân các nơi đua nhau trồng.

Những ngày này, đi một vòng quanh xã Ia Dêr, (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi bắt gặp người dân đang tất bật trồng mới cà phê. Đất trồng cà phê gồm đất tái canh, đất trống, thậm chí còn “khai tử” cây điều để trồng.

Nửa tháng trước, ông Ksor Tái (làng Breng 1) cùng 2 hộ dân khác thuê xe múc san ủi vườn điều 6 sào để trồng cà phê. Hiện các hộ đã đào hố, bỏ phân, chờ mưa là xuống giống trồng. Trên diện tích này, dấu tích chứng minh sự tồn tại của vườn điều là gốc, rễ, được các hộ thu gom, chờ tận dụng làm củi. “Người thân của mình trồng vườn điều này được hàng chục năm rồi. Vừa qua, người thân cho phép nên mình mới phá điều trồng cà phê. Riêng mình trồng 2 sào. Hy vọng khi cây cho quả, giá cà phê vẫn cao để mình hưởng lợi”, ông Ksor Tái nói.

Xuôi về xã Quảng Tiến (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi bắt gặp vợ chồng anh Mai Văn Vương đang cặm cụi dọn dẹp 1ha chanh leo để chờ mưa xuống là trồng cà phê. Trên phần diện tích này, 10 năm trước, anh trồng cà phê, tiêu. Tuy nhiên, giá thấp, cây lại bệnh nên 3 năm trước, gia đình đã chặt để trồng chanh leo. Chanh leo đang có giá, tưởng sẽ hốt bạc, ai ngờ khi thu hoạch thì rớt giá, gia đình thua lỗ. Giờ thấy cà phê giá cao, gia đình phá chanh để trồng lại cà phê. “4 năm sau, 1ha này mới cho thu hoạch. Không biết giá cà phê có giảm xuống không, nếu giảm thì lại thất bại. Tôi cầu mong giá cà phê tiếp tục giữ nguyên mức cao này để gia đình có nguồn thu. 10 năm qua, thấy cây nào có giá, gia đình đều trồng, nhưng chưa được hưởng quả ngọt bền vững lần nào cả”, anh Mai Văn Vương kể.

Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, do giá cà phê cao, nên có xu hướng các hộ dân trồng mới cà phê trên diện tích đất bỏ hoang trước đó. Bên cạnh đó, một số diện tích cây trồng không hiệu quả, đang trồng hỗn hợp các loại cây chôm chôm, mít, dân cũng chặt để trồng cà phê. Tương tự, ông Lê Quang Vang, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết, tại xã, bà con đang trồng mới cà phê. Bên cạnh đất tái canh, bà con còn trồng cà phê trên diện tích tiêu chết.

Cần sản xuất bền vững

Tại Tây Nguyên, ngoài cà phê, các cây trồng chủ lực còn lại là hồ tiêu, cao su, điều, chanh dây. Một thực trạng diễn ra nhiều năm qua là tình trạng sản xuất chạy theo giá. Một thời, phong trào trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, chanh leo nổ ra rầm rộ, đã phá vỡ quy hoạch cây trồng. Hậu quả kéo theo là mất giá, nông dân phải chặt bỏ. Bà con chìm trong vòng xoáy trồng chặt. Với việc đua nhau trồng cà phê như hiện nay, đang khiến địa phương, chuyên gia lo ngại.

Theo ông Lê Quang Vang, với tiềm năng về đất đai, địa phương thích hợp trồng cây nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm trước, bà con sản xuất chưa bền vững. Vì thế mới xảy ra chuyện chặt cà phê để trồng tiêu, đến khi tiêu chết thì trồng lại cà phê nhưng cà phê cũng không đạt năng suất. Để tránh xảy ra tình trạng trồng chặt khi giá cà phê cao, xã đã khuyến cáo bà con không sản xuất chạy theo giá, thị trường; cần sản xuất theo hướng bền vững. Cà phê chỉ trồng trên diện tích phù hợp, đủ nước tưới, có cây che bóng.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, huyện có trên 14.000ha cà phê. Với 1ha cà phê, như giá hiện nay, bà con sẽ lời khoảng 300 triệu đồng. Trong thời điểm giá cà phê cao kỷ lục như hiện nay, đây là “thời cơ vàng” cho những vườn cà phê đang cho quả. Vì thế, huyện đã khuyến cáo bà con cần tập trung chăm sóc những vườn cà phê hiện có để nâng cao năng suất; không tái canh những vườn chưa đến thời điểm để tránh lỡ cơ hội hưởng lợi khi giá còn cao. Huyện cũng khuyến cáo bà con không nên ồ ạt trồng mới trên diện tích không thích hợp mà cần tuân theo quy hoạch.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có hơn 210.000ha cà phê. Năm 2023, sản lượng cà phê toàn tỉnh giảm 13.000 tấn so với niên vụ 2022. Nguyên nhân vì những năm trước, mặt hàng này có giá thấp nên bà con đã thay thế cây trồng khác có giá trị cao, dẫn đến diện tích giảm. Hiện nay, khi giá cà phê lên cao, người dân lại mở rộng diện tích cây công nghiệp này.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) cho biết, dù ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng trồng, nhưng người dân vẫn chạy theo giá thời vụ, phát triển diện tích các loại cây trồng không hợp lý, dẫn đến sản lượng không ổn định, không có thị trường tiêu thụ bền vững.

Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, hiện nay, ngành chức năng cần xây dựng quy hoạch các vùng trồng bền vững. Trong đó, cần mời gọi các nhà đầu tư lớn về địa phương cùng người dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho các mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Đối với người dân, cần tổ chức trồng xen các cây trồng có giá trị trong vườn nhằm bổ trợ lợi nhuận và rủi ro cho nhau. Đồng thời, cần nâng cao tư duy trong sản xuất, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để sản phẩm làm ra có chỗ đứng bền vững.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk nói: “Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên phát triển diện tích cà phê trên những vùng đất không phù hợp. Đặc biệt, nghiêm cấm việc mở rộng diện tích cà phê trên các khu vực đất rừng. Nguyên do vì hiện nay, thị trường một số nước cấm nhập khẩu sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy việc phá rừng, trong đó có cà phê. Do đó, sản phẩm cà phê được trồng từ sau năm 2020 có nguồn gốc từ rừng sẽ không được thu mua, ảnh hưởng đến lợi ích, kinh tế của người dân”.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.