Ghi nhận buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 9-3, 100 liều vắc xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai vận chuyển đến Bệnh viện dã chiến. Đúng 9 giờ, những mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho các y, bác sĩ tại đây. Buổi tiêm diễn ra an toàn, đúng quy trình, chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng sau tiêm.

TS Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (bìa phải) kiểm tra công tác tiêm chủng tại Bệnh viện dã chiến Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
TS Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên (bìa phải) kiểm tra công tác tiêm chủng tại Bệnh viện dã chiến Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Đảm bảo quy trình an toàn tiêm chủng

Để buổi tiêm chủng diễn ra thuận lợi, trước đó một ngày, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có mặt tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh để hướng dẫn y, bác sĩ sắp xếp, bố trí phù hợp, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy trình và hoàn tất các công đoạn chuẩn bị. Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến tỉnh thông tin: Đây là lần đầu tiên triển khai tiêm một vắc xin mới nên khâu chuẩn bị rất kỹ càng từ xây dựng các quy trình về tiêm chủng đến tập huấn cho đội ngũ tham gia tiêm phòng. Tại phòng tiêm, chúng tôi bố trí bàn đón tiếp, kiểm tra nhiệt độ; tiếp đến là bàn tư vấn; buồng khám sàng lọc trước khi tiêm và sau đó là tiêm chủng. Tại đây, chúng tôi cũng bố trí buồng theo dõi sau tiêm, chuẩn bị kỹ càng để kịp thời xử lý cấp cứu nếu có các tình huống xảy ra trong và sau tiêm chủng. Nhìn chung, khâu chuẩn bị đảm bảo các quy trình an toàn tiêm chủng theo quy định.


Theo bác sĩ Phúc, Bệnh viện dã chiến của tỉnh có 61 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế. Sáng ngày 9-3, sẽ có 12 y, bác sĩ đầu tiên được tiêm; còn lại sẽ bố trí tiêm vào chiều 9-3 và trong ngày 10-3. Với vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, đối với người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.

 Tư vấn trước khi tiêm vaccine tại bện viện dã chiến Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Tư vấn trước khi tiêm vắc xin tại bệnh viện dã chiến Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Ghi nhận tại khu vực tiêm chủng, những người đầu tiên lần lượt qua bàn tiếp đón, đo nhiệt độ, tư vấn, khám sàng lọc kỹ càng và vào buồng tiêm chủng. Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng vắc xin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sau tiêm, người được tiêm vắc xin ngồi nghỉ ngơi và theo dõi sức khoẻ trong vòng 30 phút trước khi ra về. Bên cạnh đó, nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết về các biểu hiện bất thường sau tiêm có thể xảy ra để người tiêm chủng nắm bắt và kịp thời xử trí khi có tình huống phát sinh.
 

 Nhân viên y tế đo thân nhiệt trước khi tiêm chủng. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế đo thân nhiệt trước khi tiêm chủng. Ảnh: Như Nguyện


Chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm

Người đầu tiên được tiêm trong đợt này là bác sĩ Phạm Thanh Hưng-Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tỉnh. Bác sĩ Hưng được điều động về Bệnh viện dã chiến tỉnh từ ngày 7-2 đến nay để thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19.

Khâu kiểm tra vaccine được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng. Ảnh: Đức Thụy
Khâu kiểm tra vắc xin được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng. Ảnh: Đức Thụy


Chia sẻ cảm nhận khi là người đầu tiên tại tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực miền Trung Tây Nguyên nói chung được tiêm vắc xin phòng Covid-19, bác sĩ Hưng cho biết: Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao, đối với những người ở tuyến đầu chống dịch thì hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Việc được tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ giúp chúng tôi yên tâm công tác. Tôi rất vinh dự là người đầu tiên tại tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Xin cám ơn Bộ Y tế, Chính phủ đã nỗ lực hết sức để cho lực lượng tuyến đầu phòng-chống dịch được tiêm vắc xin, và mong rằng tiếp theo là toàn bộ người dân đều được tiêm vắc xin để cuộc sống sớm trở lại bình thường.   

Bác sĩ Phạm Thanh Hưng-Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tỉnh là người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Bác sĩ Phạm Thanh Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tỉnh là người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Theo bác sĩ Hưng, so với các mũi tiêm phòng bạch hầu, cúm thì mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 khá nhẹ nhàng, không buốt. Sau tiêm, sức khoẻ cũng hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng bất thường nào.

Cũng được tiêm vắc xin đợt đầu này, chị Đoàn Thị Minh Trinh-Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tăng cường tại Bệnh viện dã chiến, phụ trách mảng công nghệ thông tin) chia sẻ: Bệnh viện trước đó đã chuyển các tờ hướng dẫn liên quan đến tiêm chủng đến nhân viên y tế để có bước chuẩn bị và tất cả đều sẵn sàng.Trước khi tiêm cũng hồi hộp nhưng sau khi tiêm thì thấy mũi tiêm rất nhẹ nhàng, không đau, sức khoẻ hoàn toàn bình thường.

Khi tiêm vắc xin không đau, tiêm rất nhanh, mình cảm thấy thoải mái. Trước đó, bệnh viện đã thông báo toàn báo cho toàn thể nhân viên và hướng dẫn các bước để cho mọi người chuẩn bị cho tiêm phòng COVID-19. Hy vọng sẽ có vắc xin COVID-19 để tiêm cho toàn thể người dân. Chị Đoàn Thị Minh Trinh nhân viên y tế cho hay. Ảnh: Đức Thụy
Khi tiêm vắc xin không đau, tiêm rất nhanh, mình cảm thấy thoải mái. Trước đó, bệnh viện đã thông báo toàn báo cho toàn thể nhân viên và hướng dẫn các bước để cho mọi người chuẩn bị cho tiêm phòng COVID-19. Hy vọng sẽ có vắc xin COVID-19 để tiêm cho toàn thể người dân. Chị Đoàn Thị Minh Trinh nhân viên y tế cho hay. Ảnh: Đức Thụy


Chịu trách nhiệm giám sát công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại tỉnh Gia Lai theo phân công của Bộ Y tế, đánh giá về công tác tổ chức tiêm chủng tại Bệnh viện dã chiến sáng 9-3, TS. Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhấn mạnh: Điểm tiêm tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai đã chuẩn bị rất tốt các khâu theo đúng yêu cầu đề ra, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định và là một mô hình mẫu mực điển hình. Số lượng vắc xin ban đầu còn hạn chế nên ưu tiên cấp trước cho 13 tỉnh thành có dịch (trong đó có tỉnh Gia Lai được cấp 1.900 liều) để triển khai tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ghi nhận buổi sáng đầu tiên cho thấy quy trình thực hiện tiêm rất đúng chỉ định và thao tác tiêm chủng an toàn, đảm bảo giãn cách chủ động chống dịch của Bộ y tế. Ảnh: Đức Thụy
Ghi nhận buổi sáng đầu tiên cho thấy quy trình thực hiện tiêm rất đúng chỉ định và thao tác tiêm chủng an toàn, đảm bảo giãn cách chủ động chống dịch của Bộ Y tế. Ảnh: Đức Thụy


Theo Bộ Y tế, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Chính vì vậy, việc khám sàng lọc trước tiêm theo dõi sau tiêm vắc xin cần được thực hiện kỹ càng. Ghi nhận trong sáng ngày 9-3, cả 12 y, bác sĩ được tiêm trong đợt đầu và lưu lại 30 phút theo dõi sau tiêm sức khoẻ hoàn toàn bình thường, không ghi nhận phản ứng bất thường nào sau tiêm.
 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.