Gặp người 7 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc lại năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Nguyễn Thắng Lợi (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện)-người chiến sĩ với thành tích 7 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.

Dũng cảm trong chiến đấu

Ông Nguyễn Thắng Lợi đón chúng tôi bên hiên ngôi nhà nhỏ xinh được tô điểm bởi hàng trăm chậu hoa, cây cảnh. Dù đã 76 tuổi nhưng ông Lợi vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, nhất là khi kể về cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông Lợi sinh ra và lớn lên tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1966, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh và gần 1 năm tham gia đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, cuối năm 1967, ông cùng đồng đội hăng hái vác ba lô hành quân vào chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Thắng Lợi (bìa trái) kể về những lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Thắng Lợi (bìa trái) kể về những lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: H.T

Rót ly nước mời khách, ông Lợi hồi nhớ: Địa bàn đầu tiên mà ông tham gia chiến đấu là chiến trường đường 9 Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) vào năm 1967. Thời điểm ấy, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, trong đó, Quảng Trị được chúng xem là địa bàn chiến lược. Tại địa bàn Khe Sanh, Mỹ xây dựng 1 tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn và kiên cố, bao gồm làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự Sân bay Tà Cơn. Dù chiến tranh ác liệt nhưng với tinh thần “địch ở đâu đánh ở đó”, đơn vị ông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương xây dựng hầm hào, chặn đánh quyết liệt lực lượng tiếp viện của địch.

“Tôi nhớ nhất là trận tấn công địch tại trận địa giả do đơn vị tạo ra tại một ngọn đồi ở phía Bắc đường 9 Khe Sanh. Khi đó, tôi là Đại đội phó Đại đội Công binh (Trung đoàn 95C) trực tiếp chỉ huy 30 chiến sĩ cùng đào hầm, làm các khẩu pháo giả nhằm nhử địch tiến vào rồi bắn. Khoảng 8 giờ sáng, nghe tiếng bộc phá phát ra từ trận địa giả, quân địch lầm tưởng có bộ đội ta hoạt động tại đây nên cho máy bay trực thăng đưa quân xuống hòng tiêu diệt. Khi ấy, chúng tôi từ trong hầm đã sẵn sàng tư thế chờ bắn. Khi phát hiện 1 máy bay trực thăng chỉ cách trận địa vài chục mét, tôi dùng súng AK bắn liên tục khiến chiếc trực thăng rơi xuống đất và 7 tên địch trong chiếc trực thăng này chết tại chỗ. Sau trận đánh này, tôi được tặng 2 danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ bắn rơi máy bay”-ông Lợi kể.

Tháng 3-1968, Sư đoàn 325C cùng với một số đơn vị được điều vào tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên. Tại đây, ông Lợi trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh tại Chi khu quân sự Đắk Min (tỉnh Đắk Nông) và giành được chiến thắng. Cũng trong thời điểm này, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa. Đầu năm 1969, Sư đoàn 325C tiếp tục tiến vào chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khi đó, ông Lợi được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9). Tại đây, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng công sự, đào hầm bí mật liên hoàn chiến đấu trực diện với quân địch và lần lượt lập được nhiều chiến công, góp phần đập tan âm mưu bình định và lấn chiếm của địch.

Ông Lợi hồi tưởng: Trận đánh cứ điểm Đồng Ban (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) vào cuối tháng 10-1969 là gay cấn nhất. Trước đó, Đồng Ban vốn là điểm tập kết của quân địch nhưng vì bị quân ta tiến đánh ráo riết trong dịp Tết Mậu Thân 1968 nên chúng rút về căn cứ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) để bảo toàn lực lượng. Giữa năm 1969, địch đổ quân chiếm lại căn cứ nhằm làm bàn đạp tiến đánh Campuchia. 4 giờ sáng, Tiểu đoàn 3 cùng với 2 tiểu đoàn khác (đều thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9) cùng lúc tấn công vào cứ điểm và tiêu diệt gọn hơn 500 tên địch, thu nhiều vũ khí. “Với chiến thắng tại trận đánh này, tôi tiếp tục được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Huân chương Chiến công hạng nhì”-ông Lợi tự hào.

Sau trận đánh này, với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, ông Lợi tiếp tục cùng với đơn vị tham gia nhiều trận đánh tại tỉnh Tây Ninh và lập nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, với các chiến công trong tiêu diệt lính Mỹ và phá hủy các phương tiện chiến đấu của địch, ông Lợi lần lượt được tặng thêm các danh hiệu như: Dũng sĩ đánh cầu, Dũng sĩ diệt thiết giáp, Dũng sĩ quyết thắng cùng nhiều huân-huy chương khác. Đến năm 1971, ông được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Năm 1975, ông về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, ông chuyển về Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Bộ Quốc phòng). Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Người đảng viên gương mẫu

Ông Lợi dành thời gian đưa chúng tôi đi tham quan vườn hoa và một số tuyến đường của thôn. Dừng chân trước những chậu hoa giấy đang khoe sắc, ông Lợi chia sẻ về hành trình lập nghiệp của bản thân nơi vùng đất mới. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu, ông Lợi quyết định về quê đưa gia đình vào Gia Lai lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Thời điểm đó, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn khi chỉ trông vào vài sào ruộng. Nhưng rồi, nhờ chăm chỉ làm lụng, dần dần, gia đình cũng tích góp mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất và cải thiện thu nhập.

“Hồi đó, công trình thủy lợi Ayun Hạ chưa có, việc trồng lúa nước còn phụ thuộc vào nước trời nên năng suất thấp. Sau này, khi dòng nước mát Ayun Hạ được đưa về, tôi tập trung canh tác lúa và bắt đầu có tích lũy. Từ đó, tôi xây nhà và nuôi 7 đứa con học đại học. Hiện nay, các con đều có công việc ổn định”-ông Lợi tự hào khoe.

Ông Lợi đã trồng nhiều cây xanh trong sân vườn để làm đẹp nhà và nơi mình sinh sống. Ảnh: H.T

Ông Lợi đã trồng nhiều cây xanh trong sân vườn để làm đẹp nhà và nơi mình sinh sống. Ảnh: H.T

Với tâm niệm đảng viên luôn phải gương mẫu trong mọi việc, trong suốt gần 30 năm gắn bó tại quê hương thứ hai, ông Lợi luôn tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đặc biệt, với uy tín của mình, ông được bầu làm Trưởng ban kiến thiết xây dựng nông thôn mới của thôn.

Không quản ngại khó khăn, mỗi lần thôn tổ chức xây dựng công trình hạ tầng, ông đều tích cực phối hợp với Ban Nhân dân thôn đến từng gia đình để vận động hiến đất, đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng; làm hàng rào bao quanh nhà, tích cực tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Trong 2 năm (2021-2022), thôn Thắng Lợi 2 đã vận động người dân đóng góp hơn 760 triệu đồng để làm hơn 2,3 km đường bê tông. Ngoài đóng góp hơn 5 triệu đồng, gia đình ông còn hiến 62 m2 đất ở để làm đường liên thôn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tống Văn Hiền-Trưởng thôn Thắng Lợi 2-cho hay: Ông Lợi luôn gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động ở cơ sở và đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông cũng là tấm gương sáng trong nuôi dạy các con thành đạt và tích cực giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn cùng phát triển, đặc biệt là đã hỗ trợ gần 1 sào đất cho 1 hộ dân có cuộc sống khó khăn để trồng lúa.

Gần 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Thắng Lợi đã được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhất, nhì, ba); được phong tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ (2 lần), Dũng sĩ quyết thắng (2 lần), Dũng sĩ bắn rơi máy bay, Dũng sĩ đánh cầu, Dũng sĩ diệt thiết giáp.

“Với 58 năm tuổi Đảng và là Đại tá quân đội về hưu, ông Lợi còn tích cực hỗ trợ đội ngũ cán bộ thôn về kinh nghiệm trong công tác quản lý địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Vì thế, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 92,4% và đang phấn đấu đạt 95% vào cuối năm 2024”-Trưởng thôn Thắng Lợi 2 nhấn mạnh.

*

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Lợi tâm sự: “Trước đây, chiến tranh rất ác liệt, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Vì vậy, là một đảng viên và là cựu chiến binh may mắn được trở về, tôi thường tự nhủ phải tiếp tục cống hiến để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Có như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”.

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(GLO)- Công tác chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy” còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các cấp của 3 huyện, 7 xã biên giới trên địa bàn Gia Lai phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 3: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 3: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy

(GLO)- Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, với quyết tâm xây dựng “vùng xanh” nơi biên giới, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với tội phạm ma túy.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

(GLO)- Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, lực lượng Công an 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt với mục tiêu cao nhất là giữ sạch "vùng xanh".
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

(GLO)- Vai trò, vị trí của cây cao su trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để cây cao su giữ vững sứ mệnh của mình trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn hiện nay thì cần có những giải pháp phù hợp.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Để có cuộc sống ấm no như hôm nay, những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang hóa thành những vườn cây cao su xanh tốt. Không những thế, họ quyết tâm vỡ đất, lập làng, đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.