Gặp lại "chàng" dũng sĩ năm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã lâu rồi, chúng tôi mới có dịp thăm lại khu căn cứ Nhà Lá thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ-một trong những địa điểm trú quân của các đơn vị Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) trước đây để chuẩn bị xuất phát tiến công địch trên đường 19 Tây (đoạn Thanh An-Phước Thiện) những năm đánh Mỹ 1972-1974. Hiện tại đây, cũng là nơi tăng gia tập trung để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Đón tiếp chúng tôi không chỉ có Đại tá Trần Văn Trọng-Sư đoàn phó quân sự cùng anh em trong Đội tăng gia sản xuất mà còn có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và một số anh chị em đại diện xã Ia Lang.
 

Hầu hết các anh là cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường này nên đã “thuộc nằm lòng” những chiến công của Sư đoàn (nói riêng), của quân và dân Mặt trận đường 19 Tây nói chung trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy. Sau hơn 2 giờ đi qua một số điểm trước kia đơn vị thường bám trụ dựa vào dân để đánh giặc, các anh đã ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cảnh vật thiên nhiên và buôn làng nơi đây. Nhất là khi ghé thăm Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 (cách Tây Bắc căn cứ Nhà Lá 1,5 km), mọi người trong đoàn không sao nhận ra được cánh rừng có màu đất xám, giờ đây đã trở thành những đồi rừng cao su bạt ngàn ngút tầm mắt. Vì vậy, để các anh trong đoàn hiểu rõ sự biến cải đó, có lẽ không ai tường tận hơn đồng chí Rơ Châm Bơng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lang, một du kích có “hạng” ở vùng Đông Nam Đức Cơ những năm 70 của thế kỷ trước.
 

Ông Rơ Châm Bơng. Ảnh: Trần Tiến Hoạt
Ông Rơ Châm Bơng. Ảnh: Trần Tiến Hoạt

Rơ Châm Bơng-một cái tên vừa quen vừa lạ mà Sư đoàn phó Trọng giới thiệu hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Tôi cố nhớ lại nhưng không thể nào hình dung được. Tôi nhìn thẳng vào gương mặt bầu màu bánh mật có đôi mắt nâu chân thật như cây rừng, đá núi của Bơng và hỏi: Đồng chí Bơng là du kích làng Dịt Phàng năm 1972 phải không? “Đúng! Đúng rồi mà!”-Bơng khẳng định. Vậy hồi đó Bơng còn nhớ làng mình có cậu bé khoảng 13, 14 tuổi đánh địch giỏi hung không? Bơng còn đang ngây người nhìn tôi như dò hỏi “Anh là ai mà biết cậu bé ấy” thì Chủ tịch xã UBND Nguyễn Xuân Tứ đã mau mắn: “Rơ Châm Bơng chính là cậu bé ấy đấy anh à!”.

Thế là từ sâu thẳm tâm khảm mình những ký ức về Bơng cứ hiện ra trong tôi.

Hồi ấy (đầu tháng 12-1972), Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa, huy động 2 Trung đoàn Bộ binh (41, 45), 2 Liên đoàn Biệt động quân, 6 Chi đoàn Tăng thiết giáp, 5 Tiểu đoàn Bảo an, 11 Đại đội dân vệ, được máy bay các loại yểm trợ mở cuộc hành quân đánh chiếm các mục tiêu trên đường 19 Tây (đoạn Thanh An tới Đức Cơ).

 

Lúc đó, mặc dù các đơn vị thuộc Sư đoàn 320 của ta gặp nhiều khó khăn do 8 tháng chiến đấu liên tục từ Kon Tum đến Gia Lai, quân số hao hụt chưa kịp bổ sung, trang bị thiếu thốn. Nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn nhanh chóng xốc lại đội hình, đề ra phương châm chiến đấu “Tập trung lực lượng đánh có trọng điểm tiêu diệt từng bộ phận, khi có thời cơ sẽ phát động tiến công toàn tuyến thu hồi phần đất vừa bị địch lấn chiếm”.

Vì thế, khi địch đưa 2 tiểu đoàn đổ bộ vào sâu hậu phương ta, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định giao cho Trung đoàn 48 đang củng cố ở Tây Nam Thanh Giáo 5 km (khu Nhà Lá) triển khai đội hình đón chặn tiêu diệt Tiểu đoàn 22 Biệt động quân quyết đánh bại ý đồ thâm hiểm của địch. Tiểu đoàn 2 (Thanh Lũng) do Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thân chỉ huy, là lực lượng thứ yếu bố trí ở Nam Nhà Lá 2 km. Khi địch vào đúng phương án, Tiểu đoàn 1 nổ súng, chắc chắn chúng sẽ chạy về hướng Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn 2 đánh hất chúng trở lại cùng Tiểu đoàn 1 tiêu diệt. Các mũi tiến công chú ý kết hợp với du kích địa phương về đường hướng vận động truy kích địch…

 

Chiều 20-12-1972, Tiểu đoàn 22 Biệt động quân của địch về đến điểm cao 400 (Nam Thanh Giáo) sa vào trận địa phục sẵn của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Tiểu đoàn 22 hốt hoảng xin cứu viện khẩn cấp. Trên đường truy kích, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1, rất ngạc nhiên khi gặp một em nhỏ người địa phương ôm khẩu súng AR.15 cao quá đầu, mắt rực lửa nhìn về phía địch. Em tên là Rơ Châm Bơng-một trong những đội viên nhỏ tuổi nhất (14 tuổi) trong đội du kích làng Gào, xã E3, huyện 5 (nay là xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ngày 21-12-1972, khi biết tin địch hành quân càn quét qua làng, thấy các tổ du kích cơ động chuẩn bị phối hợp với bộ đội đánh giặc, em nằn nì xin đội trưởng được hai trái lựu đạn rồi lặng lẽ ra ngã ba đầu làng phục kích. 10 giờ sáng hôm sau, một tốp địch bị bộ đội ta truy đuổi dựa vào vạt rừng tháo chạy về hướng của Bơng mai phục. Bình tĩnh đợi cho chúng đến đúng tầm rồi chụm lại, em mới tung lựu đạn diệt và làm bị thương 3 tên, thu 2 súng. Nghe tiếng lựu đạn nổ, các chiến sĩ lao đến thì cũng vừa lúc em thu súng trở về…

 

Trung tâm huyện Đức Cơ. Ảnh: Nguyễn Giác
Trung tâm huyện Đức Cơ. Ảnh: Nguyễn Giác

Trong ngày 23-12-1972, sau chiến thắng vang dội tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 22 Biệt động quân một ngày của Tiểu đoàn 12 bộ đội địa phương được du kích các xã: E2, E3, E4 hỗ trợ truy kích tàn binh Tiểu đoàn 11 Biệt động quân. Trận chiến đấu sáng sớm, Rơ Châm Bơng cùng Kpui Thi (Xã đội phó) phục kích tại suối Ia Blong (Tây làng Gào 500 mét). Với kinh nghiệm phục kích khôn khéo, hai người để cho địch vào thật gần mới táo bạo nổ súng, ném lựu đạn tiêu diệt gọn tiểu đội địch. Trong trận đánh buổi chiều, nhiệm vụ chính của Bơng và Rơ Lan Pêk (Trung đội trưởng du kích) là dẫn đường cho đại đội bộ binh (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48) bao vây tiến công đại đội địch đang co cụm gần suối Ia Krum làng Yêh chờ quân đến cứu viện. Khi bộ đội tiến công địch, Bơng đã tìm cho mình một chỗ phục kích lợi hại. Mặc dù bị thương vào mặt do mảnh đạn M79 của chúng bắn dọn đường, nhưng Bơng vẫn chờ cho ba tàn binh địch chạy đúng vào tụ thủy có vách bờ dựng đứng mới tung lựu đạn diệt 2 tên, thu 2 súng AR.15. Chiến công này được cán bộ Trung đội trinh sát Tiểu đoàn Thanh Lũng công nhận và khen ngợi. Dân làng còn nhớ, khi mới 11 tuổi, Bơng đã được đi theo Kpuih Te (Tiểu đội trưởng du kích xã) đến đầu nguồn suối Ia Grăng (gần xã Gào TP. Pleiku) để gài mìn diệt địch. Cũng trong ngày hôm đó, một đại đội Mỹ-Ngụy (hỗn hợp) cơ động ra trận địa mai phục Bộ đội Đặc công ta hoạt động, vướng ba quả mìn nổ phá hủy 1 xe M113, diệt và làm bị thương 12 tên (có 5 lính Mỹ)…

Với những chiến công đã lập được, đầu tháng 3-1973, Rơ Châm Bơng được xã cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua cấp huyện. Tại đại hội đã tuyên dương Rơ Châm Bơng là dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 4-1973, Rơ Châm Bơng được huyện bình chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Mặt trận Tây Nguyên. Rơ Châm Bơng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Sau Đại hội Mặt trận Tây Nguyên, Rơ Châm Bơng được đi học văn hóa tại Trường Phổ thông Ama Trang Long.

Hòa bình thống nhất Tổ quốc, Rơ Châm Bơng được về quê nhà công tác. Từ năm 1976 đến nay, được Đảng và nhân dân giao giữ các vị trí trưởng thôn, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã đến các cương vị chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Huyện ủy viên-Bí thư Đảng ủy xã. Ở cương vị nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc xã Ia Lang thu được những thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới, phát triển, luôn xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng năm xưa.  

Đại tá Trần Tiến Hoạt

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.