FED tăng thêm lãi suất: Tác động không nhiều tới kinh tế Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các chuyên gia cho rằng với việc tỷ giá và lãi suất đang có xu hướng giảm nhiệt thì việc FED tăng lãi suất thêm 0,5% điểm phần trăm lần này không có tác động nhiều tới nền kinh tế.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Trái ngược với xu hướng của thế giới sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, tỷ giá và lãi suất ở trong nước không có nhiều biến động, thậm chí lại đang có xu hướng giảm nhẹ. Chuyên gia nhận định lần tăng lãi suất này của FED không tác động nhiều đến nền kinh tế trong nước.

Vẫn có nhiều điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 14/12, FED đã củng cố chiến dịch chống lạm phát của họ với quyết định tăng lãi suất lần thứ 7 trong năm 2022 với mức tăng lãi suất 0,5 điểm %, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%. Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % sau khi tăng với tốc độ 0,75 điểm % trong 4 cuộc họp liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 11.

Ngay sau đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,5%. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp, song mức tăng lần này thấp hơn hai lần trước và dự báo tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng này đánh dấu sự giảm đà đáng kể so với 0,75 điểm phần trăm trong hai lần tăng trước. Sự giảm đà tăng của lãi suất là do lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện.

Theo các doanh nghiệp, việc đồng USD tăng giá so với đồng tiền Việt Nam sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may cho biết đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm sang châu Mỹ, châu Âu nên nên thanh toán bằng USD là chính. Vì vậy việc đồng USD lên giá sẽ có lợi cho công ty.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tiross Việt Nam nhập khẩu 3,5 triệu USD đồ gia dụng mỗi năm. Theo đại diện doanh nghiệp, dù giá USD ở thị trường quốc tế tăng khá mạnh, nhưng tỷ giá USD/VND ở Việt Nam tương đối ổn định nên không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Hoan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tiross Việt Nam cho biết: "VND ổn định đã giúp doanh nghiệp kinh doanh được chắc chắn hơn vì khi tỷ giá biến động sẽ khiến doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để nhập hàng về, dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp."

Lãnh đạo một tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam lại cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn khá là khoẻ mạnh trong môi trường như hiện nay, tất nhiên các yếu tố rủi ro cũng vẫn cần được cân nhắc. Nhưng Việt Nam đang có điều kiện "vượt bão" khá tốt so với những quốc gia láng giềng thuộc Đông Nam Á.

Việt Nam đã có thể huy động vốn đáng kể thông qua thị trường trái phiếu trong nước bằng nội tệ. VND hiện cũng khá ổn đinh. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lương thực ròng, hưởng lợi khi giá thực phẩm tăng tại các quốc gia châu Âu và Mỹ.

"Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài," vị lãnh đạo trên nhận định.


 

Diễn biến tỷ giá trung tâm trong thời gian qua. Đơn vị: Đồng
Diễn biến tỷ giá trung tâm trong thời gian qua. Đơn vị: Đồng


Mặc dù vậy, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng lo ngại, viêc FED tăng lãi suất cũng làm ảnh hưởng đến sức mua tại các thị trường lớn, từ đó cũng làm giảm tình hình xuất khẩu của nước ta. Ngoài ra cũng sẽ có nhiều nhóm ngành hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu.

Tỷ giá, lãi suất đang giảm nhiệt

Phản ứng với việc FED tăng lãi suất lần này, tỷ giá trung tâm đang có 2 phiên giảm liên tiếp tuy không nhiều, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tuy có điều chỉnh tăng nhẹ nhưng vẫn ở vùng thấp nhất trong 3 tháng qua.

Hiện giá USD trong nước đã giảm sâu trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Theo đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng ghi nhận vào ngày 16/12 đã giảm xuống còn khoảng 23.360-23.390 VND/USD ở chiều mua vào và 23.620-23.680 VND/USD ở chiều bán ra. So với mức cao điểm ghi nhận vào cuối tháng Mười, giá USD ngân hàng đã giảm khoảng 1.200-1.300 đồng/USD, tương đương mức giảm 5%-5,5%, về mức thấp nhất 3 tháng.

Cũng chỉ trong hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 4 lần giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch, tổng cộng 40 đồng. Mức điều chỉnh trên là tương đối nhỏ so với 6 lần tăng mạnh trước đó, nhưng phát đi tín hiệu quan trọng rằng mặt trận tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước. Giới phân tích cho rằng, áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngày 15/12, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố tỷ giá USD mua can thiệp ở mức 23.450 đồng/USD, bắt đầu động thái mua vào ngoại tệ can thiệp. Trước đó, vào ngày 7/9/2022, Ngân hàng Nhà nước ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp do thanh khoản thị trường ngoại tệ căng thẳng.

Động thái mua can thiệp tỷ giá trở lại của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng hơn. Đồng USD đang đạt đỉnh khiến nhiều người dân chuyển từ "găm" giữ sang bán cho ngân hàng thương mại để “chốt” giá cao. Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ về dồi dào hơn dịp cuối năm (xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI...) cũng giúp một số ngân hàng bắt đầu dư thừa thanh khoản ngoại tệ.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng đây là quyết định đã nằm trong kịch bản và dự đoán từ trước đó và lý do chính là do lạm phát của Mỹ cũng như lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và giảm nhiệt.

“Đối với mức tăng lãi suất như vậy của FED thì rõ ràng sẽ giảm bớt đi áp lực đối với việc tăng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam,” ông Lực nhận định.


 

Diễn biến tỷ giá tại Vietcombank trong thời gian qua. Đơn vị: Đồng
Diễn biến tỷ giá tại Vietcombank trong thời gian qua. Đơn vị: Đồng



Đối với lãi suất, các chuyên gia cũng dự báo, lãi suất trong nước không tăng, thậm chí lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm. Việc nới hạn mức (room) tín dụng được cho là một cú hích với nền kinh tế trong tháng cuối năm.

Đến thời điểm hiện tại có 17 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền trên 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5%-3%/năm.

Cũng trong ngày 15/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận đặt ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

'Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ,'' Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Chuyên gia của công ty chứng khoán VNDirect ước tính dự trữ ngoại hối sẽ hồi phục lên mức 102 tỷ USD vào cuối 2023, từ mức khoảng 89 tỷ USD hiện nay. Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các ngân hàng trung ương sẽ chậm dần lại và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, chuyên gia VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.