Dự báo bão số 3 đổ bộ đất liền vào chiều tối 7-9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ trì cuộc họp triển khai các phương án ứng phó siêu bão số 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cần theo dõi liên tục diễn biến của bão, dự báo chính xác để kịp thời triển khai các phương án ứng phó.

Chiều 5-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục tổ chức cuộc họp triển khai các nhiệm vụ ứng phó siêu bão số 3 (Yagi).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì và phát biểu mở đầu cuộc họp chiều 5-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì và phát biểu mở đầu cuộc họp chiều 5-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo các chuyên gia khí tượng, trưa nay 5-9, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão với sức gió lên tới cấp 16 và giật cấp 17. Bão hiện đang trong quá trình thay đổi hoàn lưu và mắt bão, dự kiến sẽ đạt cường độ cực đại từ chiều tối nay (5-9) đến ngày mai (6-9).

Dự báo từ đêm 6-9, siêu bão sẽ vượt qua bán đảo Lôi Châu và phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) trước khi đi vào vịnh Bắc bộ. Sau khi vào vịnh Bắc bộ, dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng vào ngày 7-9.

Còn theo báo cáo của ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia tại cuộc họp chiều 5-9, khoảng đêm 6-9 bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, sau đó sẽ đổ bộ vào đất liền từ khoảng chiều đến tối 7-9.

Mắt bão số 3 hồi 14 giờ chiều 5-9. Ảnh vệ tinh

Mắt bão số 3 hồi 14 giờ chiều 5-9. Ảnh vệ tinh

Ông Khiêm nhận định, nhiều khu vực sẽ bị ảnh hưởng nhưng khu vực Quảng Ninh - Thanh Hóa chịu tác động mạnh nhất.

“Cơn bão số 3 có nhiều yếu tố nguy hiểm hơn các cơn bão tương tự trước đây”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo. Dự báo có một đợt ngập, lũ diện rộng ở Bắc bộ và Thanh Hóa. Lượng mưa phổ biến là 150-300mm, có nơi mưa trên 500mm.

Báo cáo nêu tại cuộc họp của đại diện Bộ NN-PTNT, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, tại các đảo, hiện còn 2.231 du khách, trong đó Quảng Ninh có 154 người và Hải Phòng có 2.077 người. “Tất cả các du khách đã được thông báo và chủ động phương án di chuyển”, ông Luận cho biết.

Đại diện các cơ quan báo chí theo dõi cuộc họp ứng phó với bão chiều 5-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Đại diện các cơ quan báo chí theo dõi cuộc họp ứng phó với bão chiều 5-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện đã kiểm đếm và hướng dẫn cho 51.319 tàu cá với tổng số 219.913 người di chuyển tránh bão. Trong số này, 1.543 tàu với 10.045 người đang hoạt động tại vịnh Bắc bộ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến cấm biển từ ngày 6-9, trong khi Ninh Bình thực hiện lệnh cấm biển từ 13 giờ chiều 5-9.

Mô hình của châu Âu dự báo tâm bão số 3 có thể quét vào Hà Nội. Ảnh: WINDY

Mô hình của châu Âu dự báo tâm bão số 3 có thể quét vào Hà Nội. Ảnh: WINDY

Về nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết, khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Dự báo nếu bão có cường độ cấp 13-14 và gió giật cấp 17 thì nguy cơ thiệt hại cao.

Tình hình hồ chứa và đê điều

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), trên lưu vực sông Hồng vào lúc 13 giờ ngày 5-9 như sau: hồ Sơn La đạt mực nước 208,39m; Hòa Bình đạt 111,5m và đã mở 1 cửa xả đáy; hồ Tuyên Quang đạt 116,01m và mở 2 cửa xả đáy; hồ Thác Bà đạt 57,96m và mở 2 cửa xả mặt.

Đối với hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc bộ có tổng số 2.543 hồ chứa với dung tích đạt 80%-96% thiết kế. Trong khi, Bắc Trung bộ có 2.323 hồ chứa, dung tích đạt 46%-65% thiết kế. Hiện có 129 hồ chứa ở Bắc bộ và 145 hồ chứa ở Bắc Trung bộ đang hư hỏng hoặc xuống cấp.

Về tình hình đê điều, có 37 trọng điểm đê xung yếu cần đặc biệt lưu ý, phân bố ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Các tuyến đê biển hiện có khả năng chống chịu bão cấp 9-10, nhưng có nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 13-14 và gió giật cấp 17.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm