Đồng ý chủ trương lập Hãng bay Cánh Diều với nhiều khuyến cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận thấy dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều đủ điều kiện kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa theo yêu cầu của bộ này.
 
Hãng hàng không Cánh Diều dự kiến khai thác 6 máy bay ATR 72 trong năm đầu tiên thành lập - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Nội dung này được Bộ GTVT nêu rõ trong văn bản góp ý vừa gửi tới Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam về hồ sơ dự án đầu tư thành lập Hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh.
Theo dự án, trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020), Cánh Diều chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đến các sân bay địa phương như Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Son Nhất đi Côn Đảo. 
Trong đó, số chuyến bay khai thác tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 21 chuyến mỗi tuần… Cánh Diều có kế hoạch khai thác đường bay quốc tế từ năm thứ 2 thành lập và mở rộng phạm vi khai thác từ năm thứ 3.
Theo quyết định số 236/Qp-TTg của Thủ tướng về quy hoạch GTVT hàng không, số lượng máy bay khai thác của Việt Nam đến năm 2020 đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc.
Vì vậy, dự án Cánh Diều dự kiến năm 2020 khai thác 6 máy bay ATR-72 là có thể chấp thuận, đáp ứng nhu cầu thị trường đến các cảng hàng không hiện nay chưa thể khai thác bằng các loại máy bay phản lực từ A320, A321 và tương đương trở lên.
Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định cần phải xem xét tính hiệu quả của đội máy bay ATR-72 và năng lực, nguồn lực để khai thác đội máy bay đến năm 2025 với quy mô 30 chiếc (gồm 15 chiếc ATR-72 và 15 chiếc A320, A321) mà Cánh Diều dự kiến khai thác. Bộ GTVT kiến nghị xem xét Cánh Diều khai thác đội máy bay vào năm 2025 chỉ 20-25 chiếc.
Bộ GTVT đề nghị Công ty Thiên Minh nghiên cứu, xây dựng lại mạng đường bay dự kiến phù hợp với hạ tầng hàng không hiện tại và kế hoạch mở rộng nâng cấp các sân bay mà Cánh Diều dự kiến khai thác. Đặc biệt lưu ý về vị trí đỗ máy bay qua đêm. 
Cục Hàng không Việt Nam cũng không đảm bảo việc cấp phép đi - đến Tân Sơn Nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến khi nhà ga hành khách số 3 mới của Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác.
Đồng thời, Bộ GTVT lưu ý Cánh Diều về việc đỗ máy bay qua đêm tại sân bay Chu Lai - một sân bay có dung lượng thị trường thấp, nên việc tổ chức khai thác sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hãng.
Bộ GTVT cho biết theo quy định tại nghị định số 92/2016/NĐ-CP, vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỉ đồng. Dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều có tổng vốn 1.000 tỉ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỉ đồng. Như vậy, vốn tối thiểu của Công ty Thiên Minh không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu.
Bộ GTVT đề nghị Công ty Thiên Minh có báo cáo và hồ sơ liên quan đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, phương án đảm bảo tài chính luôn đáp ứng về điều kiện mức vốn tối thiểu theo quy định của nghị định trên.
Tuấn Phùng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.