Đồng hành cùng học sinh lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Các trường THPT trong tỉnh Gia Lai vừa hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Cùng với đó, hoạt động tư vấn tổ hợp môn học luôn được các trường chú trọng với mục tiêu giúp học sinh lựa chọn đúng, phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như điều kiện thực tế của đơn vị.
Nhận kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 vào lớp 10 của Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa), em Hoàng Nguyễn Diệu Thương (tổ 6, thị trấn Phú Túc) cùng gia đình không giấu được niềm vui. Ông Hoàng Sơn Tùng (ba của Thương) cho hay: Trước đó, cả nhà khá lo lắng khi con gái phải lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi lẽ, đây sẽ là lựa chọn theo con trong suốt 3 năm THPT và có ảnh hưởng nhất định đến nghề nghiệp sau này.
“Bên cạnh tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi còn trực tiếp đưa con đến trường để được Hội đồng tuyển sinh tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Sau khi cân nhắc các phương án, con đã quyết định đăng ký nguyện vọng 1 là tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên. Chúng tôi tôn trọng lựa chọn này và rất vui khi con đã trúng tuyển”-ông Tùng chia sẻ.
Theo kế hoạch, năm học 2022-2023, Trường THPT Chu Văn An tuyển sinh 10 lớp 10 với 450 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trần Văn Thế, sau 2 đợt tuyển sinh, nhà trường vẫn chưa tuyển đủ. Hiện nay, nhà trường đang xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo được tuyển bổ sung đối với một số trường hợp học sinh người dân tộc thiểu số nộp trễ hồ sơ vì phải theo gia đình lên rẫy hoặc không biết đăng ký trên hệ thống trực tuyến; đồng thời, giảm số lớp xuống còn 9 (gồm 2 lớp Khoa học tự nhiên, 7 lớp Khoa học xã hội) nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên giảng dạy.
Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) đang rà soát hồ sơ trúng tuyển lớp 10 để tiến hành sắp xếp lớp theo nguyện vọng của học sinh. Ảnh: Mộc Trà
Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) đang rà soát hồ sơ trúng tuyển lớp 10 để tiến hành sắp xếp lớp theo nguyện vọng của học sinh. Ảnh: Mộc Trà
“Nhà trường đã xây dựng 4 tổ hợp môn học tự chọn và chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn. Căn cứ vào 4 phương án, khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, các em được quyền lựa chọn 3 nguyện vọng. Trong quá trình làm hồ sơ, Ban tư vấn tuyển sinh cũng đã hỗ trợ, giúp các em lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện thực tế của nhà trường. Hiện chúng tôi đang tiến hành xếp lớp; nếu số lớp thuộc nguyện vọng 1 hết chỉ tiêu thì các em sẽ được chuyển sang lớp nguyện vọng 2 hoặc 3”-thầy Thế thông tin.
Tương tự, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 của Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa) là 315 học sinh, biên chế ở 7 lớp. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh thuộc 6 xã khó khăn của huyện, nhà trường đã xin tuyển bổ sung đối với những hồ sơ dôi dư so với chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng hoạt động tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề giáo dục cho học sinh. 
Giáo viên Trường THPT Pleiku tư vấn cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập khi đến nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên Trường THPT Pleiku tư vấn cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập khi đến nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10. Ảnh: Mộc Trà
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 sẽ học 6 môn học bắt buộc gồm: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Đồng thời, lựa chọn thêm 4 môn học từ 3 nhóm: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Công nghệ và nghệ thuật (mỗi nhóm ít nhất 1 môn) và 3 cụm chuyên đề học tập.
Thầy Võ Tiến Tùng-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Với những yêu cầu cao về định hướng nghề nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 10 sau khi hoàn thành sắp xếp lớp. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, thị trường lao động vẫn có sự cân bằng giữa các ngành nghề thuộc khối tự nhiên và khối xã hội. Tuy nhiên hiện nay, ở các trường vùng khó, học sinh hầu hết chọn học tổ hợp Khoa học xã hội. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn, không chỉ dẫn đến việc thừa-thiếu giáo viên cục bộ trong nhà trường mà xa hơn còn khiến nguồn nhân lực ở khối ngành Khoa học tự nhiên bị thiếu hụt. “Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sẽ giúp các em nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn sau khi tốt nghiệp THPT. Sau khi tư vấn, nếu học sinh nào muốn thay đổi nguyện vọng tổ hợp môn học, chúng tôi sẽ xem xét chuyển đổi trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường và năng lực, sở trường của các em”-thầy Tùng nói. 
Trong khi đó, Trường THPT Pleiku đã hoàn thành 720 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ngay trong đợt 1. Theo cô Võ Thị Thanh Bình-Phó Hiệu trưởng nhà trường: Bộ phận chuyên môn đang sắp xếp lớp theo 4 tổ hợp đã xây dựng, gồm: 7 lớp tổ hợp 1 với 336 học sinh; 2 lớp tổ hợp 2 với 97 học sinh; 2 lớp tổ hợp 3 với 96 học sinh; 4 lớp tổ hợp 4 với 192 học sinh. “Việc xây dựng các tổ hợp môn học, chuyên đề học tập tự chọn và công tác xếp lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Riêng 21 em có nguyện vọng học theo tổ hợp 1 bị dôi dư, Ban Giám hiệu đã chủ động gặp gỡ phụ huynh và học sinh để tư vấn, định hướng thêm về việc lựa chọn lại tổ hợp hoặc chuyển sang nguyện vọng phù hợp hơn với năng lực của các em lẫn điều kiện của nhà trường. Về cơ bản, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình của phụ huynh và học sinh”-cô Bình cho hay.
MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.