Đồng bào Phật giáo Gia Lai gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh Gia Lai lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022-2027), P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trưởng ban tổ chức Đại hội về một số nội dung liên quan.

* P.V: Xin Hòa thượng cho biết về công tác chuẩn bị và ý nghĩa của kỳ đại hội này?

- Hòa thượng THÍCH TỪ VÂN: Căn cứ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thông tư hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các địa phương trong cả nước đã và đang tiến hành đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027. Thời gian qua, cùng với hoàn thành đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tập trung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ VI, tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Cho đến giờ phút này, các mặt công tác chuẩn bị cho Đại hội đã cơ bản hoàn tất.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ VI diễn ra trong bối cảnh nước ta trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập toàn diện với quốc tế. Chính vận hội này đã tạo điều kiện cho Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo Gia Lai nói riêng ổn định và phát triển bền vững để tiếp tục phát huy bề dày lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) và đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2022. Ảnh: Thanh Nhật
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) và đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2022. Ảnh: Thanh Nhật


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ VI sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện thành tựu cùng những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết, Chương trình hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2017-2022; đồng thời, đề ra phương hướng hoạt động và cung thỉnh Ban Chứng minh, suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027 để cùng với Phật giáo cả nước củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm tới.

* P.V: Hòa thượng có thể điểm lại một số thành quả của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2017-2022?

- Hòa thượng THÍCH TỪ VÂN: Nhiệm kỳ 2017-2022, các thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong tinh thần “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để đạt nhiều thành quả trong công tác Phật sự.

Trường Trung cấp Phật học tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển, đến nay đã hoàn thành 3 khóa đào tạo với khoảng 150 tăng ni sinh tốt nghiệp và đang đào tạo khóa IV (niên học 2021-2024) cho gần 40 tăng ni sinh. Toàn tỉnh hiện có 120 ngôi tự viện cùng hơn 500 vị chức sắc, tăng ni, trong đó có 13 vị hòa thượng, 11 thượng tọa, 4 ni trưởng, 9 ni sư. Nhiều vị tăng ni trẻ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có hơn 11 tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 60 cử nhân Phật học. Đây là nguồn tăng tài kế thừa công tác của Giáo hội tại địa phương trong tương lai, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Giáo hội.

Diện mạo Phật giáo Gia Lai có bước phát triển, nhiều chùa và tịnh xá được nâng cấp, xây dựng với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con phật tử, hòa nhập với đời sống phát triển của xã hội.

Ban Từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Nhật
Ban Từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Nhật


Tăng ni và phật tử trong tỉnh luôn tích cực với công tác từ thiện xã hội, tổ chức các hoạt động giúp người nghèo, người neo đơn, tàn tật, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; bình quân mỗi năm thực hiện trị giá trên 10 tỷ đồng. Riêng năm 2020, tổng giá trị kinh phí cho hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh là hơn 18,2 tỷ đồng.

* P.V: Trước thềm Đại hội, Hòa thượng có những thông điệp gì trong nhiệm kỳ tới?


- Hòa thượng THÍCH TỪ VÂN: Tôi mong rằng tập thể Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2022-2027) phát huy thành quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế còn tồn tại, tiếp tục hướng dẫn toàn thể tăng ni và phật tử thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Chú trọng việc rèn luyện giới luật trong hoạt động tu học của các tăng ni trẻ, đề cao tinh thần tôn kính giới luật, bồi dưỡng tăng ni trẻ về đạo hạnh, năng lực, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội trong thời đại mới. Ổn định tổ chức, phát triển cơ sở thờ tự ở vùng sâu, vùng xa, quan tâm tín đồ phật tử ở vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng quần chúng, góp phần xây dựng môi trường xã hội tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống hộ quốc an dân và tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần hòa hợp, đoàn kết, xây dựng và phát triển Phật giáo Gia Lai vững mạnh theo đường hướng “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.

* P.V: Xin cảm ơn Hòa thượng!

 THANH NHẬT (thực hiện)

 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.